Nguyễn Tuệ đến Mỹ năm 1978, khi anh mới 16 tuổi. Không đầy 10 năm, sau anh đã có 7 tấm bằng do viện đại học công nghệ Massachusetts (M.I.T) cấp. M.I.T là một trong những trường đại học kỹ thuật nổi tiếng nhất ở Mỹ đã công nhận Nguyễn Tuệ là người phá kỷ lục về “học vấn” của nhà trường kể từ ngày thành lập đến nay. Báo chí Mỹ gọi Nguyễn Tuệ là “siêu học giả”. |
Những ngày đầu tiên ở đất Mỹ, Nguyễn Tuệ sống cùng 2 em trai tại Pasadena, gần Houston, tiểu bang Texas. Anh bắt đầu học tiếng Anh và làm công việc quét dọn để kiếm tiền theo học trung học. Sau khi có bằng trung học của trường San Jacinto, anh được đại học công nghệ Massachusetts nhận vào học năm 1981.
Hai người em của anh là Nguyễn Tiến sau này cũng theo học tiến sĩ nguyên tử tại đại học M.I.T. Còn Nguyễn Tài theo học cao học tại đại học tổng hợp Berkeley, California.
Không như nhiều sinh viên khác chọn 4 môn học, anh đăng ký học đủ 12 môn. Năm 1984, anh đỗ bằng cử nhân đầu tiên, rồi thêm 4 bằng cử nhân nữa trong năm kế tiếp ở các lĩnh vực vật lý, công nghệ thông tin, toán học, nguyên tử. Năm 1986, anh lấy bằng thạc sĩ nguyên tử, và chỉ hai năm sau hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ nguyên tử.
Hiện nay, Nguyễn Tuệ định cư tại Burlington, trong tiểu bang Vermont, và làm việc cho tập đoàn máy tính khổng lồ IBM. Anh giữ chức vụ nghiên cứu tại bộ phận chế tạo mảnh bán dẫn điện của IBM, bộ phận quan trọng trong các máy vi tính. Anh tỏ ra rất thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu vật lý.
Trong luận án cao học, anh đã đưa ra lý thuyết về kết cấu nguyên tử của kim loại biến thể từ trạng thái đặc sang lỏng. Giáo sư cố vấn luận án nói rằng, công trình của anh đặc biệt ở điểm dùng lập trình tin học để chứng minh, thay vì dùng thực nghiệm. Bằng cách kết hợp công nghệ thông tin với vật lý, hoá học, Nguyễn Tuệ đã cho thấy có thể dùng máy vi tính hữu hiệu trong lĩnh vực nghiên cứu cấu tạo vật chất.
Hãng IBM đánh giá cao những phương pháp do anh đưa ra trong nghiên cứu ứng dụng vào các sản phẩm công nghệ thông tin (ví dụ như giải quyết vấn đề khói bụi ô nhiễm trong không khí ảnh hưởng đến chế tạo các bộ phận bán dẫn điện tử).
Lao Động