|
Cùng với Thu Phương mang không khí Tết của thành phố Hà Nội đến với Tết VYSA qua điện thoại là diễn viên quen thuộc của nhà hát Tuổi Trẻ: Anh Tú, một diễn viên vừa có sự bảo thủ của một tín đồ trung thành tuyệt đối với thánh đường sân khấu, lại vừa có sự mềm dẻo, linh hoạt, năng động của một nghệ sĩ thời “mở cửa”. |
Xin được trích dẫn bài phỏng vấn diễn viên Anh Tú do báo Thanh Niên thực hiên, qua đó chúng ta có thể lý giải được vì sao Anh Tú luôn thành công trên cả hai phương diện: nghệ thuật lẫn thị trường.
– Giống như các đồng nghiệp khác ở Nhà hát Tuổi Trẻ, trên sân khấu kịch, anh cũng là một diễn viên đi bằng cả “hai chân”. Nói về diễn xuất, giữa hài kịch với chính kịch, cái gì làm cho anh “đau đầu” hơn?
– Nếu ai đó khẳng định làm hài kịch khó, có lẽ, tôi sẽ cãi rằng, làm chính kịch mới khó, bởi nó “nuốt trọn” cả bi lẫn hài. Nhưng thực ra, làm cho khán giả thấy hay, đó mới đích thực là khó.
– Trong số những vai diễn được công nhận của anh, vai diễn nào anh thấy mình cần phải “trở lại”?
– Vai Vũ Như Tô. 10 năm nữa, nếu còn là đạo diễn, tôi mong muốn được dựng lại vở diễn này. Tầm tư tưởng khiến Vũ Như Tô chắc chắn có một sức sống lâu bền trên sân khấu. Ở vị trí của một diễn viên, đây cũng là vai diễn ám ảnh tôi nhiều nhất, tác động đến con người tôi lớn nhất. Có thể nói thực lòng rằng, tôi đã may mắn được rèn giũa trong Vũ Như Tô, cả về nghề nghiệp lẫn nhân cách.
– Trong vở đầu tay “Vũ nữ đêm giao thừa”, thủ pháp dàn dựng của anh khá… lạ mắt, và nó đã gây ra những hiệu ứng trái chiều. Anh nghĩ sao khi phần đông các đạo diễn mới vào nghề cho rằng họ sẽ không chọn một cách đi kém an toàn như thế?
– Đơn giản bởi vì tôi là tôi. Có thể tôi hay, tôi dở, tôi non nớt hoặc già dặn, nhưng tôi phải có một dấu ấn riêng. Nghệ thuật rất cần những cái “tôi”, miễn đừng dị biệt quá.
– So với thời chỉ là diễn viên, trong anh đã có sự thay đổi rõ nét về mặt nhận thức?
– Khi anh là diễn viên, sự chia sẻ nghề nghiệp là một điều rất bình thường. Nhưng khi anh đứng ở vị trí đạo diễn, dấu ấn cá nhân lại là quan trọng nhất. Cô đơn dường như là chứng bệnh chung của cánh đạo diễn, bởi tự mình phải giải quyết tất cả mọi công việc. Một lớp diễn khó, diễn viên nhìn lên đạo diễn, còn đạo diễn thì không có ai để “trông vào” cả.
– Lần đầu tiên đứng ở vị trí đạo diễn, anh đã tự đặt ra cho mình mục tiêu gì?
– “Đứa con” của tôi phải thu hút được đại chúng, thôi thúc họ bỏ tiền ra mua vé. Và tôi đã làm được điều ấy. Vũ nữ đêm giao thừa thắng lớn từ Bắc vào Nam. Tôi biết, ở một hướng khác là những tác phẩm như Macbeth, hay Con cáo và chùm nho (ngụ ngôn của Ê-dốp), với mục tiêu để “làm nghề” và chỉ có một lượng khán giả tri âm.
-Anh nghĩ sao khi cả giới sân khấu lẫn khán giả đều đang kêu lên rằng: hãy để sân khấu luôn là một “thánh đường”?
– Với tôi, sân khấu đã, đang và mãi mãi là một thánh đường, nhưng không phải một thánh đường khô khan. Tôi muốn ở thánh đường đó, tín đồ kéo đến đông như hội.
[-Có ý kiến cho rằng cơn lốc bi kịch cổ điển nước ngoài khiến sân khấu kịch trong nước ngày một xa rời cuộc sống hiện tại có nguyên nhân là do chúng ta thiếu một hiện tượng như Lưu Quang Vũ, anh nghĩ gì về nhận xét này?– Không hẳn. Tôi nghĩ rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Cuộc sống thay đổi từng ngày, từng giờ. Rất khó xác định một chuẩn mực cũng như không có chuẩn mực nào bất biến cả. Sẽ là phiến diện nếu chúng ta lấy cái hôm qua để áp đặt cho hôm nay.
(Theo Thanh Niên)