ASEAN YOUTH CARAVAN OF GODWILL


Trong 3 ngày từ 3~5 tháng 6 vừa qua, lễ hội Caravan thanh niên ASEAN đã diễn ra thành công tại thành phố Sendai. Hơn 70 thành viên tham gia Caravan do Tổng thư ký Hiệp hội ASEAN, ông Surin Pitsuwan dẫn đầu với sự tài trợ của Nippon Zaidan, đã lần lượt đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất cũng như phục vụ món ăn và biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho các nạn nhân của trận siêu động đất và sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản tháng 3 vừa qua.
Trong hơn 70 thành viên của lễ hội, ngoài 22 bạn là sinh viên các nước ASEAN đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, và một số khách mời, tất cả các thành viên còn lại đều đã từng là nạn nhân của trận sóng thần năm 2004 tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Do đó, Caravan không chỉ đơn thuần là một buổi tình nguyện chia sẻ và giúp đỡ người dân Nhật, mà cao hơn nữa, đó là thông điệp của sự đồng cảm với những mất mát, là sự khích lệ cùng nhau vượt qua những khắc nghiệt, cùng hướng về phía trước cho một tương lai tươi sáng hơn. Thông qua Caravan, tình hữu nghị của các nước ASEAN và Nhật Bản cũng đã được nâng lên một tầm cao mới, như ngài Surin đã nói: Nhật Bản đã ở bên giúp đỡ ASEAN rất nhiều trong quá khứ, và đây là lúc để ASEAN giúp đỡ lại Nhật Bản. “It’s our turn to share”.

Các bạn trẻ ASEAN trong chiếc áo đồng phục

 

Ngày 3/6, sau 6 tiếng trên xe buýt, điểm dừng đầu tiên của chuyến đi là thị trấn ven biển Natori. Tất cả nhà cửa nơi đây gần như đều bị quét sạch sau trận sóng thần. 907 người chết và 124 người vẫn còn mất tích. Cả thị trấn chìm trong cảnh thương đau, không bóng người ngoài các công nhân đang thu dọn đống đổ nát. Rác được chất thành từng đống cao. Các ô tô bẹp dí xếp cạnh đường, trên các ô ruộng không một mầm cây. Cả khu vực giờ chỉ còn lại nền nhà, bê tông và các trụ sắt nhô lên. Đoàn đã đặt hoa và dành một phút tưởng niệm cho tất cả những nạn nhân xấu số của Natori, cũng như của toàn vùng Đông Bắc Nhật Bản.

Cảnh tan hoang vùng bị nạn

 

vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số

 

Ngày thứ 2 được coi như là ngày sôi động nhất của Caravan – khi lễ hội thực sự được bắt đầu. Khởi hành từ 7 giờ hơn, sau 2 tiếng, đoàn đã đặt chân được đến Ishinomaki – nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của Tohoku. Hơn 3000 người chết và vẫn còn gần 3000 người chưa tìm thấy tung tích, nỗi mất mát của những người dân ở Ishinomaki có lẽ là quá lớn để nói thành lời.
Một khu đất trống giữa khu vực dân cư được chọn để dựng gian hàng và biểu diễn văn nghệ. Từ 10 giờ, các công việc chuẩn bị thức ăn đã được tiến hành. Một nhà hàng Thái ở Sendai đã đảm nhận nhiệm vụ cung cấp thức ăn (mì xào và thịt gà nướng) cho hơn 300 người dân quanh khu vực. Phông, bạt, nước, bếp gas,… tất cả đều được Caravan chuẩn bị và mang từ Sendai đến. Việt Nam cũng góp phần bằng việc mời người dân Nhật hương vị của cốc cà phê Việt. Lễ hội chính thức bắt đầu lúc 12 giờ, nhưng từ 11 giờ, một số người dân đã rục rịch đến. Trong số đó, một vài người Nhật cũng nhiệt tình tham gia chuẩn bị thức ăn cùng đoàn. Cứ như thế từ đến suốt buổi chiều, hàng dài người dân xếp hàng để chờ thưởng thức hương vị “lạ” từ các nước ASEAN, cũng như xem các tiết mục múa, chơi nhạc cụ dân tộc của các nước bạn. Không chỉ thế, Caravan còn chuẩn bị cả các bưu thiếp có kèm những lời động viên, một số quần áo thường ngày, cờ Nhật Bản và các nước ASEAN,… để đem tặng người dân.

Món mì xào phục vụ đồng bào bị nạn

 

Thịt xiên Thái Lan

 

Hăng say phục vụ đồng bào Nhật Bản

 

Cách khu vực nấu ăn và biểu diễn, một số đông thành viên khác cũng tham gia dọn dẹp bùn đất, khu vực quanh khu dân cư giúp người dân. Đây cũng là một chương trình nằm trong khuôn khổ lễ hội. Tuy thầm lặng, giản dị, không được sôi động như khu vực biểu diễn nghệ thụât, nhưng có lẽ nhóm lao động lại là những người chứng kiến và cảm nhận sâu sắc nhất nỗi khổ và sự khó khăn của người dân vùng bị nạn. Sau khi giúp người dân dọn dẹp một phần, nhóm cũng đã quay trở về để nghỉ ngơi và tham gia ăn trưa, giao lưu với người dân. Cũng từ đây, những câu chuyện về quá trình trở lại cuộc sống thường nhật đã được chia sẻ. Chủ một quán mì ramen ngay cạnh khu đất phục vụ lễ hội kể rằng: sau động đất, nhà cửa bị ngập nước, mọi thứ trong quán đều bị đổ vỡ hết nên anh gần như phải mua lại toàn bộ đồ dùng. Tuy hiện nay anh đã bắt đầu kinh doanh lại, nhưng cửa hàng vẫn không thể đón khách do hễ trời mưa là nước sẽ bị dột từ trên tầng xuống. Anh cho hay, anh đang hoạt động cầm chừng bằng cách đi giao hàng tại nhà, và đang tính chuyện xây mới hoàn toàn lại cửa hiệu. Cạnh anh, con trai anh tỏ ra khá hân hoan với chiếc áo có in hình Nhật Bản và cờ các nước ASEAN vừa mới được tặng.

Các tiết mục văn nghệ dân tộc của các nước ASEAN

 

trang phục dân tộc của Indonesia

 

 

Ngày cuối cùng của Caravan kết thúc bằng chuyến đi tham quan Matsushima – một trong 3 thắng cảnh nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Sau trận động đất, rất nhiều người cho rằng tam cảnh của Nhật giờ chỉ còn lại hai. Nhưng trên thực tế, Matsushima tuy có một vài hòn đảo phải tạm thời ngừng hoạt động do động đất thì phần còn lại khá nguyên vẹn và vẫn đầy vẻ cuốn hút. Cũng theo người dân cho hay, cũng chính nhờ những hòn đảo này che chắn mà Matsushima là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất của sóng thần tại tỉnh Miyagi.

 

Asean youth Caravan of Godwill đã thực sự trở thành cầu nối hữu nghị, đoàn kết giữa các nước ASEAN và Nhật, cũng như tình hữu hảo ngay giữa 10 nước ASEAN với nhau. Sự chia sẽ, cảm thông, tương thân tương ái sẽ là động lực lớn nhất để tất cả chúng ta cùng vượt qua những thời khắc khó khăn của cuộc sống. Caravan lần này không chỉ đơn thuần là một cuộc tình nguyện, một sự “cho đi”, mà ngay cả những người tham gia chương trình này cũng đã nhận lại được rất nhiều điều. Thanh niên Asean đã và đang học cách sẻ chia: “We dare to dream, we care to share”, vì một điều đơn giản: chúng ta không một mình – “We are not alone”. Hi vọng đất nước xinh đẹp Nhật Bản sẽ sớm vượt qua những khó khăn và phục hồi nhanh chóng. Và chúng ta luôn nhớ: chúng ta không bao giờ một mình
一人じゃない!
頑張ろうニッポン!