Trong 2 ngày 14 và 15/7/2003, tại Đại học Osaka, đã diễn ra Hội thảo khoa học chung về khoa học và công nghệ môi trường của gần 100 nhà khoa học đến từ nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu của Nhật Bản và Việt Nam. Đây là hội thảo lần thứ 4 và cũng là lần cuối trong giai đoạn 1 của “Chương trình các trường Đại học trọng điểm” (CUP – Core University Programme). Một vài ghi chép được ở Hội thảo hy vọng sẽ giới thiệu vắn tắt cùng các bạn về CUP như là một hình mẫu hợp tác Việt-Nhật. |
Dù chính thức ký kết vào 10/1999, có thể nói CUP đã được khởi động và “vận hành” từ tháng 8/1999, sau 2 cuộc hội thảo liên tiếp được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. CUP là một chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học song phương, được xây dựng trên ý tưởng tập hợp các nhà khoa học từ các trường đại học của 2 nước thông qua đầu mối là 2 trường đại học “trọng điểm”: Đại học Osaka, Nhật Bản và Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam. CUP được sự bảo trợ của Hội Phát triển khoa học Nhật bản (Japan Society for the Promotion of Science – JSPS) và Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia Việt Nam (NCST). Lĩnh vực nghiên cứu được xác định trong CUP là môi trường, với chủ đề “Khoa học và công nghệ môi trường vì Trái Đất”. Hình thức hợp tác của CUP được định nghĩa rõ là trao đổi các nhà khoa học, tổ chức các đề tài nghiên cứu chung và tổ chức các hội thảo khoa học chung. Đến năm nay, 2003, CUP đã đi qua 5 năm của giai đoạn 1 và đã thiết lập được bộ khung cho các lĩnh vực nghiên cứu chung, gồm 3 chủ đề :
Chủ đề 1: Quan trắc và đánh giá môi trường (Environmental Monitoring and Assessment)
Chủ đề 2: Kiến tạo và bảo tồn môi trường (Environmental Creation and Conservation)
Chủ đề 3: Phát triển Công nghệ Môi trường (Development of Total Environmental Technology)
Về phía Nhật, xoay quanh Đại học Osaka có các trường và viện nghiên cứu “vệ tinh” như Hokkaido University, University of Tokyo, Ehime University, Osaka Prefecture University, Kumamoto University, University of Shizuoka, Himeji Institute of Technology,… Phía Việt Nam, “vệ tinh” cho ĐH Quốc gia Hà Nội có các trường viện: ĐH Xây dựng HN, Đại học Huế, ĐH Quốc gia TpHồ Chí Minh, ĐH Nông Lâm TpHCM, các viện Công nghệ Sinh học, Sinh học Nhiệt đới, Hoá học thuộc NCST.
Theo báo cáo của các GS Masanori Fujita và GS Phạm Hùng Việt – điều phối viên của 2 phía Nhật và Việt Nam, đồng chủ toạ hội thảo, thì trong 5 năm qua, ngân sách chi cho CUP đã tăng từ 23.276.000 yên (1999) lên 28.000.000 yên (2003), và số lượt trao đổi các nhà khoa học Nhật sang Việt và Việt sang Nhật tăng tương ứng từ 27 và 22 (1999) lên 38 và 40 (2003) . CUP đã tổ chức được 4 lần hội thảo chung và 1 hội thảo chuyên đề về ô nhiễm nước ngầm. Nếu như số bài công bố kết quả nghiên cứu (không kể bài giới thiệu đơn vị) tham gia tại Hội thảo chung lần 1 (Việt Nam, 8/1999) mới chỉ khiêm tốn là 3, lần 2 (Osaka, 11/1999) là 11, lần 3 (Osaka, 11/2001)27 thì đến lần 4 này đã là 38. Phạm vi nghiên cứu cũng được mở rộng dần ra, trong khuôn khổ 3 nhóm chủ đề trên, để đáp ứng với những vấn đề môi trường mà mỗi quốc gia đối mặt trong tiến trình phát triển và những tiến bộ mới về công nghệ. Ví dụ, trong 2 năm qua, các nhà khoa học 2 phía đã có thêm những dự án nghiên cứu chung về ô nhiễm ammoni, arsen trong nước ngầm ở Hà Nội, về phân tích và đánh giá các chất ô nhiễm hữu cơ bền vững trong môi trường (PCBs, dioxins,…), về quản lý tổng hợp môi trường ven bờ, về bảo tồn các khu nhạy cảm sinh thái như rừng ngập mặn trước xu thế mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản,…
Sắp tới, trong giai đoạn 2 (2004-2009), các nghiên cứu sẽ đi vào một số định hướng mới như cảm biến sinh học (biosensors), ô nhiễm tiếng ồn, năng lượng từ sinh khối, ứng dụng của công nghệ gen trong bảo vệ môi trường, mô hình hoá trong nghiên cứu môi trường, ….
Một trong các phát biểu được coi là then chốt và có tính quyết định cho hoạt động sắp tới của CUP tại hội thảo vừa qua là cam kết của JSPS về việc tiếp tục tài trợ kinh phí cho CUP. Ngài Tsuyoshi Enomoto – phụ trách các chương trình Châu Á của JSPS – cho biết rằng, dù từ 1/10/2003, JSPS sẽ được cải tổ thành một tổ chức tự trị chứ không còn phụ thuộc chính phủ Nhật nữa, nhưng JSPS vẫn sẽ tiếp tục tài trợ cho CUP trong khuôn khổ ngân khoản trợ giúp các chương trình trị giá hơn 0,2 tỷ USD mỗi năm.
Hy vọng rằng CUP sẽ không ngừng lớn mạnh và những kết quả từ CUP sẽ có nhiều đóng góp tốt vào các lĩnh vực nghiên cứu về khoa học và công nghệ môi trường của cả Việt Nam và Nhật Bản, cũng như đóng góp thiết thực và công cuộc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của Việt Nam. Đó cũng là mong muốn và quyết tâm được các GS Masahiro Jono – Phó Giám đốc ĐH Osaka, và GS Đào Trọng Thi – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nhắc đến nhiều lần trong phát biểu khai mạc và ở bên ngoài hội thảo lần này. Tuy tầm mức không lớn, nhưng có thể nói CUP là một mẫu hình tốt của quan hệ hợp tác Việt-Nhật mà chúng ta đang kỷ niệm lần thứ 30 ngày thiết lập.
7/2003
DONHAT