|
Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định nới lỏng chính sách tín dụng để chống giảm phát và làm cho quá trình phục hồi kinh tế của nước này vững chắc hơn nữa.. |
Sau hai ngày họp, Ban chính sách của BOJ đã quyết định thay đổi chỉ tiêu đối với các tác nghiệp của Ngân hàng trên thị trường tiền tệ, nâng số dư tài khoản vãng lai từ mức 27-32 nghìn tỉ yên hiện nay lên khoảng 30-35 nghìn tỉ yên (280-327 tỉ USD). Ngoài ra, các thành viên Ban chính sách BOJ đã nhất trí nới lỏng các quy định đối với việc ngân hàng trung ương mua chứng khoán được thế chấp bằng tài sản để cải thiện các điều kiện tài trợ cho các công ty vừa và nhỏ.
Đây là lần nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên của BOJ kể từ tháng 10 năm ngoái. Một số nhà phân tích cho rằng quyết định của BOJ khá bất ngờ vì Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế nước này trong báo cáo kinh tế tháng 1 công bố ngày 19/1, trong đó khẳng định kinh tế Nhật Bản “đang phục hồi chắc chắn”.
Theo tuyên bố của BOJ, quá trình phục hồi kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tiếp tục nhưng chỉ với tốc độ vừa phải vì vẫn tồn tại những vấn đề khó khăn về cơ cấu, đặc biệt là các khoản cho vay khó đòi tại các ngân hàng thương mại. Vì vậy BOJ quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ để “khẳng định lại quyết tâm chống giảm phát và duy trì quá trình phục hồi”.
Ngay sau khi BOJ đưa ra quyết định trên, giá đồng yên đã giảm xuống còn 107,62 yên/USD, nhưng sau đó trở lại mức 107,45 yên/USD.
(Theo TTXVN)