Người Nhật và công việc

– Công ty Nhật và công ty Mỹ khác nhau ở chỗ nào?
– Người Nhật nổi tiếng là làm việc nhiều, một năm người Nhật làm việc bao nhiêu tiếng?
– Một năm có bao nhiêu ngày nghỉ?
– Thu nhập của người Nhật là bao nhiêu?
– Làm thế nào để tăng lương và địa vị ở Nhật?
– Tại sao người Nhật khi chuyển địa điểm công tác lại thường không cho gia đình theo cùng? (Tanshinfunin)?
– Có phải người Nhật nếu không có danh thiếp thì không làm việc được?
– Con dấu ở Nhật được dùng từ khi nào và dùng trong những trường hợp nào?
– Có nhiều người chuyển công ty ở Nhật không?
– Tỷ lệ giữa lao động nữ và lao động nam là bao nhiêu?
– Số người phụ nữ đi làm sau khi lập gia đình có nhiều không?

– Công ty Nhật và công ty Mỹ khác nhau ở chỗ nào?

Có những khác nhau cơ bản sau đây:

  1. Ở Nhật thì chế độ tuyển dụng suốt đời là phổ biến còn ở Mỹ thì người ta thường tuyển dụng theo hợp đồng từng năm.
  2. Ở Nhật thì thăng tiến theo tuổi (Nenkoujyoretsu) còn ở Mỹ thì thăng tiến theo thực lực (Jitsuryokushugi)
  3. Công đoàn ở Nhật được tổ chức theo đơn vị công ty còn công đoàn ở Mỹ được tổ chức theo ngành.

Do tình hình kinh tế khó khăn nhiều công ty đã bỏ chế độ tuyển dụng suốt đời và xem xét tăng lương theo năng lực chứ không theo tuổi như trước nữa.

– Người Nhật nổi tiếng là làm việc nhiều, một năm người Nhật làm việc bao nhiêu tiếng?

Năm 1991 thì thời gian lao động ở Nhật là 2080 giờ, gấp 1,1 lần Anh, Mỹ và gấp 1,23 lần Pháp. Năm 1993 thì luật lao động được cải chính và chuyển thành 1 ngày 8 tiếng, một tuần 5 ngày. Nhiều xí nghiệp nhỏ vẫn chưa tuân theo luật này nhưng trong tương lai không xa chắc thời gian làm việc của người Nhật sẽ rút ngắn tương tự Mỹ và châu Âu. Hiện nay (tháng 3 năm 2005) các công ty của Nhật thường cho nhân viên nghỉ 121 đến 126 ngày một năm. Bình thường nhân viên đến công ty từ 8:30 và về nhà lúc 9,10 giờ đêm. Theo bộ luật mới của Nhật thì tổng số giờ làm việc ngoài giờ hành chính (after five) của nhân viên các công ty không được quá 360 tiếng một năm. Nhiều công ty cũng lấy một ngày trong tuần làm ngày ‘no zangyo day’, vào ngày này hết giờ làm việc các nhân viên bắt buộc phải rời công ty.

– Một năm có bao nhiêu ngày nghỉ?

Năm 1991 số ngày nghỉ là 120 ngày 1 năm, con số này ở Pháp là 154 ngày. Hiện nay số ngày làm việc là 243 ngày và con số 20.3 ngày/ tháng là con số được nhiều công ty dùng để tính toán công việc.

– Thu nhập của người Nhật là bao nhiêu?

Theo điều tra của Bộ Lao động, năm 2001 những xí nghiệp có trên 30 người làm có thu nhập bình quân đầu người là 4.030.000 yên 1 năm. Số tiền này bao gồm cả các loại trợ cấp và tiền thưởng. Theo điều tra mới nhất năm 2001 thì thu nhập bình quân đầu người của Nhật là 4.030.000 yên 1 năm, cao thứ 2 thế giới sau Luxembourg. Nhưng nếu tính lương theo giờ làm việc thì lương của người Nhật thua Mỹ và Đức. Lương 1 giờ làm việc của người Mỹ bằng 1,4 , người Đức bằng 1,46 lần người Nhật. Do ở Nhật giá cao và lương tính theo giờ của người Nhật thấp nên Nước Nhật không được coi là mạnh về vấn đề thu nhập.

– Làm thế nào để tăng lương và địa vị ở Nhật?

Hình thức tuyển dụng chung của người Nhật là tuyển dụng suốt đời và tăng lương và địa vị theo thâm niên. Một khi đã được tuyển dụng vào cơ quan ở Nhật thì nhân viên sẽ được tăng lương theo trình độ học vấn và số năm công tác. Tuy nhiên trình độ của mỗi nhân viên là khác nhau nên tuy cùng tuổi tiền lương và địa vị cũng có thể khác nhau. Hiện nay do kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn nên các công ty Nhật đang có xu hướng chuyển từ việc xét thâm niên c ông tác sang việc xét hiệu quả làm việc. Hiện nay chỉ có khoảng 1% số công ty tính lương theo năm, nhưng con số này có thể tăng trong những năm tới.

– Tại sao người Nhật khi chuyển địa điểm công tác lại thường không cho gia đình theo cùng? (Tanshinfunin)?

Có thể nghĩ được các lý do sau: Thứ nhất là do việc học của con. Việc chuyển trường thường ảnh hưởng đến việc học của con (nhất là khi con cái đang học ở các trường ở thành phố) trong khi ở Nhật việc cạnh tranh khi thi vào trường của Nhật rất khốc liệt. Lý do thứ hai là do sự tiện lợi của giao thông. Do diện tích nườc Nhật không lớn nên việc đi lại bằng máy bay hoặc tàu siêu tốc rất tiện lợi. Người Nhật làm ở xa thường về thăm nhà vào tối thứ Sáu và quay lại nơi công tác vào tối chủ nhật.

– Có phải người Nhật nếu không có danh thiếp thì không làm việc được?

Ở Nhật danh thiếp là vật không thể thiếu được trong công việc. Việc trao đổi danh thiếp trong lần gặp mặt đầu tiên đã trở thành thói quen của người Nhật. Người Nhật không bao giờ đi gặp khách hàng của mình mà không mang theo danh thiếp. Một trong những nguyên nhân của việc này là để cho đối phương biết cách viết tên của mình bởi vì trong tiếng Nhật cùng một cách đọc có thể có nhiều cách viết khác nhau. Thế kỷ 19 người ta thường trao cho nhau những tờ giấy Nhật (Washi – Hoà chỉ) trên đó chỉ ghi tên của mình. Danh thiếp được in như bây giờ được truyền sang Nhật từ Tây Âu. Những người làm công tác ngoại giao là những người đầu tiên ở Nhật sử dụng danh thiếp có in ấn.

– Con dấu ở Nhật được dùng từ khi nào và dùng trong những trường hợp nào?

Con dấu ở Nhật có 2 loại con dấu có đăng ký (Jitsuin – Thực ấn) và con dấu cá nhân (Ninin – Nhân ấn) Con dấu có đăng ký phải được đăng kí tại uỷ ban nhân dân (Yakushyo – Dịch sở). Sau khi đăng ký thì con dấu đó được công nhận là thuộc sở hữu của người đã đăng ký. Con dấu vừa thể hiện trách nhiệm của mình đối với nội dung của văn bản vừa được dùng để xác nhận là mình đã đọc văn bản đối với trường hợp văn bản được truyền qua các bộ phận. Con dấu là vật không thể thiếu đối với mỗi thành viên trong công ty. Ngoài ra con dấu còn thể hiện sự đồng ý một khế ước hoặc để chứng nhận mình đã nhận bưu phẩm đối với những bưu phẩm được gửi bảo đảm. Gần đây trong vấn đề bưu phẩm thì có thể dùng chữ ký thay cho việc dùng con dấu. Bình thường chỉ cần cùng con dấu cá nhân nhưng đối với những văn bản quan trọng thì phải dùng con dấu có đăng ký.

– Có nhiều người chuyển công ty ở Nhật không?

Ở Nhật vẫn còn nhiều công ty sử dụng chế độ tăng lương theo thâm niên và chế độ tuyển dụng suốt đời nên ở những công ty lớn có việc làm ổn định thì người ta thường làm cho đến khi về hưu. Cho dù người nhân viên muốn chuyển công ty thì khi anh ta xin việc làm ở một công ty mới thì anh ta luôn gặp phải bất lợi là công ty mới sẽ thắc mắc là tại sao anh ta lại bỏ việc ở công ty cũ. Cho dù người nhân viên thành công trong việc xin việc làm mới thì cũng khó đảm bảo rằng anh ta sẽ nhận được mức lương cao bằng hoặc hơn ở công ty cũ. Hệ thống tuyển dụng ở Nhật luôn luôn bất lợi cho những người muốn chuyển công ty. Hiện nay trong giới trẻ thì ý thức cống hiến suốt đời cho công ty không còn như xưa, do vậy khi chế độ lương theo năm được thực hiện thì sẽ có nhiều người chuyển việc để tìm được việc làm phù hợp nhất với năng lực của mình.

– Tỷ lệ giữa lao động nữ và lao động nam là bao nhiêu?

Năm 1993 có 52.870.000 người làm việc trong các công ty ở Nhật trong đó có khoảng 38% là nữ giới. Nữ giới thường làm việc trong các ngành dịch vụ, buôn bán, bảo hiểm và văn phòng. Năm 1986 thì ở Nhật đã ban hành luật “Bình đẳng nam nữ trong vấn đề tuyển nhân viên”. Sau khi ban hành luật này thì lệ nữ giới đi làm tăng lên rõ rệt và tiền lương của nữ giới được cải thiện. Thế nhưng từ năm 1992, do tình hình kinh tế suy thoái nên nữ giới tốt nghiệp đại học gặp nhiều khó khăn trong việc tìm việc. Mặt khác thì lao động hợp đồng và làm thêm (arubaito) lại tăng lên. Năm 1993 thì arubaito chiếm 32% số việc làm. Trong đó có 70% là nữ giới. Vấn đề bình đẳng nam nữ trong công việc lại trở thành một vấn đề cấp bách.

– Số người phụ nữ đi làm sau khi lập gia đình có nhiều không?

Việc phụ nữ xin thôi việc sau khi lập gia đình ngày càng ít đi. Việc này có 2 nguyên nhân: thứ nhất là do hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo ngày càng tốt và thứ hai là do chế độ cho phép nghỉ khi sinh con cũng hợp lý hơn trước. Năm 1993, 67.2% lao động nữ là người đã lập gia đình.