NHỮNG NGÀY HÈ Ý NGHĨA

Những ngày đầu tháng 5,

Khi mà hầu hết các sinh viên trong trường tìm được nơi thực tập cho riêng mình trong kì nghỉ hè tới thì mình tôi vẫn đang loay hoay với bề bộn bài vở cho kì thi cuối kì và sự mơ hồ khi nghĩ về kế hoạch trong ba tháng hè tới của mình…
Thực ra tôi cũng đã nộp CV tới một số nơi, đợi mãi rồi cuối cùng tôi cũng được phỏng vấn nhưng kết quả không được như mong đợi. Một phần cũng vì ngành học hơi đặc thù, một phần vì mình học trái ngành lại không có năm kinh nghiệm, tiếng Nhật của mình cũng eo hẹp nữa nên mỗi lần nhận được kết quả xong, bố mẹ cứ giục thế bao giờ về, bạn bè cũng hỏi han thế có kiếm được việc không, tôi cũng buồn lắm, chẳng biết nói gì, vé máy bay về Việt Nam cũng chưa đặt,
vì cứ mong cứ cố đợi…

Những ngày giữa tháng 5,

Tin tin…

Tin nhắn điện thoại reo lên, Janice bảo tôi rằng bản tin của nhà trường đang có thông báo tuyển ALT (Assistant of Language Teaching) từ trường cấp ba Kokusai Joho trong hai tháng tới. Tất nhiên, nhanh như tên bắn, tôi lập tức gửi mail và CV. Sau một vài email trao đổi, mấy ngày sau đó, tôi đến Kokusai Joho phỏng vấn. Công việc có thể được miêu tả như phối hợp cùng với giáo viên người Nhật dạy tiếng anh của các trường cấp ba tham gia trực tiếp giảng dạy trong các lớp tiếng anh giao tiếp. Tôi được phân công tới hai trường cấp ba ở Muikamachi và Shiozawa. Vỡ òa trong sung sướng khi được nhận. Tôi gọi điện cho bố mẹ, rằng hè này tôi sẽ không về nữa. Lúc ấy cũng chỉ nghĩ đến niềm vui của mình mà hân hoan cười nói. Sau này, khi nghĩ lại, tôi biết lúc đó bố mẹ chắc hẳn là buồn lắm!

Những ngày đầu tháng 6,

Người Nhật là vậy, họ cẩn thận và chu đáo chẳng kể xiết. Người cố vấn (Mentor) cho tôi gửi mail thông báo lịch làm việc, đi bằng gì đến trường, lịch tàu ra sao, đi bộ thêm bao lâu sẽ đến đươch trường, kèm theo cả Google Maps, quan trọng nhất, thày gửi cho tôi địa chỉ mail của người sẽ tham gia giảng dạy cũng tôi ở Muikamachi và Shiozawa. Nhắc nhở tôi cứ hỏi thật nhiều nếu còn điều gì thắc mắc. Tự nhủ với bản thân phải bỏ ngay cái tính trẻ con, nhao nhác để thày không phải thất vọng vì tôi. Và cũng vì sống tại nơi đây, mỗi người Việt chúng tôi đều hiểu được mỗi hành vi và lời nói cũng mình đều mang hình ảnh của một quốc gia, một dân tộc đến một đất nước khác, nhất là khi nhận thức thức được mình đang sống tại nơi mà chuẩn mức đạo đức và các giá trị văn hóa song hành nhau, khắt khe và đòi hỏi sự nghiêm túc cao độ.

Trao đổi email với các thày giáo dạy tiếng Anh ở hai trường cũng vậy, họ thân thiện và nhiệt tình gợi ý các chủ đề để tôi chuẩn bị bài giảng trước khi đến lớp. Cảm thấy tự nhiên gần gũi với các thày đến lạ thường.

Ngày đầu tiên đi học,

Tôi gọi cái ngày đầu tiên mà tôi nhân công tác này là ngày đầu tiên đi học, vì theo tôi việc truyền tải kiến thức đến các em học sinh cũng giống như việc mình được học thêm một lần nữa, trải nghiệm thêm nhiều những điều mới mẻ khác, học từ các thày cô người Nhật mà tới đây là đồng nghiệp của tôi, học từ các em học sinh Nhật, không phải là là kiến thức mà còn là bài học về tính cách, về ý thức, về thái độ học tập và làm việc.

Thật vậy, ngày đầu tiên lên lớp, tôi mang đến cho các em hình ảnh đất nước và con người Việt Nam: về lá cờ đỏ sao vàng, về bộ áo dài truyền thống, về món ăn mà bất cứ ai nhắc tới Việt Nam đều nghĩ tới: chả nem và Phở và cũng không quên nhắc tới Vịnh Hạ Long – kì quan thiên nhiên của thế giới. Sau đó là cách làm đồ thủ công của Việt Nam. Tất nhiên, mọi giải thích đều bằng tiếng Anh. Những ngày tiếp theo cũng vậy, công việc mỗi ngày mang đến cho tôi những
trải nghiệm riêng về sự hồn nhiên và sáng tạo của trẻ em Nhật.

Câu chuyện của tôi cũng nhẹ nhàng như thế này nếu như không muốn nhắc đến một điều làm tôi trăn trở trong suốt hai tháng sẽ làm việc tại hai trường. Các em rất lễ phép, biết lắng nghe, chúng hào hứng với tất cả những trò chơi, những hoạt động làm việc nhóm và những câu chuyện tôi mang lại nhưng chúng ngại ngùng và khó khăn trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh mà tôi đặt ra. Những câu hỏi bằng tiếng Anh rất đơn giản về sở thích và hoạt động thường ngày thôi
nhưng các em khó khăn trong việc sắp xếp ý và sử dụng vốn từ mới của mình. Cũng một phần vì ngại ngùng nữa. Ánh mắt các em nhìn tôi, chăm chú nghe tôi giải thích, tôi biết là các em thích thú được tiếp xúc với tiếng Anh nhưng để cất tiếng nói một câu tiếng Anh đơn giản cũng là cả một sự mệt nhọc với các em. Thực tế, mỗi ngày về học về, tôi cảm thấy đôi chút buồn nản, thật khó để các em có thể mạnh dạn trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh của tôi.

Tin tin …

Tin nhắn đến từ Riho, cô học sinh nhỏ trong lớp học của tôi. Tin nhắn của em làm tôi thực sự rất bất ngờ, ngập ngừng đọc tin nhắn, có lẽ việc viết ra tiếng Anh dễ dàng hơn việc cất lên lời nói, em nhắn tin cho tôi kể rằng em cảm ơn tôi vì đã đến trường và đem nhiều những điều mới mẻ cho các em. Em kể cho tôi rằng các em rất hào hứng mỗi khi có tiết học của tôi vì khi đó các em được nghe tiếng Anh nhiều hơn, em nhắn với tôi rằng tôi rất dễ thương và các em mong được học tiếng Anh với tôi nhiều hơn nếu có cơ hội.
Thực sự tin nhắn của em làm tôi rất xúc động, lưng chừng khoảng thời gian làm việc, đôi lúc tôi cảm thấy bất lực với suy nghĩ làm sao chỉ cần để các em có thể chủ động hơn trả lời câu hỏi trên lớp của tôi.

Tự hứa với mình, ngày mai tôi sẽ bắt đầu công việc của mình hào hứng hơn, nỗ lực của tôi đã được các em đón nhận! Tôi bật dậy, lại tiếp tục chuẩn bị giáo án!

Nước Nhật trong tôi thật đẹp từ những điều thật giản dị!
Minami-Uonuma, ngày 29 tháng 6 năm 2015.


Tác giả: Nguyễn Thị Mai Anh
Trường Đại học quốc tế Nhật Bản