|
Hàng trăm người đeo ba lô chen chúc ở đại sảnh. Một vài người hý hoáy chép vội vào sổ tay. Số khác xếp hàng trước những bàn nơi nhân viên tư vấn của trường đại học đang cung cấp thông tin chi tiết về các khóa cao học. |
Ni Dahai, 25 tuổi người Trung Quốc đang bận rộn tìm kiếm thông tin. “Hóa ra chuyên ngành của tôi trong đại học ở Trung Quốc, ngành xử lý thông tin, lại không được dạy ở bậc cao học tại đây. Họ chỉ có các khóa học mà họ gọi là công nghệ thông tin thôi”.
Buổi giới thiệu các chương trình cao học cho sinh viên nước ngoài tại Trung tâm Trao đổi Quốc tế tại Tokyo hôm 9/7 là cơ hội tốt cho những sinh viên như Ni, những người muốn theo học cao học ở Nhật và muốn có thông tin chính xác để có thể lựa chọn đúng đắn.
29 trường cao học ở Tokyo và những khu vực xung quanh như Đại học Tokyo, Đại học Waseda và Keio đã tham gia buổi giới thiệu trên. Những sinh viên nước ngoài từng vượt qua kỳ thi đầu vào và hiện theo học tại các trường đại học của Nhật cũng có mặt ở đó để truyền lại kinh nghiệm cho người đi sau.
Trong vài năm vừa qua, số người nước ngoài quan tâm đến các trường đại học của Nhật ngày càng tăng. Năm ngoái, buổi giới thiệu của trung tâm được chuyển từ một phòng họp sang trung tâm hội nghị Odaiba để có đủ chỗ cho khách tham dự.
Yumiko Tokuda, giám đốc phụ trách các vấn đề trường học của trung tâm này, cho biết những sinh viên nước ngoài muốn học lên cao tại Nhật gặp khó khăn vì họ chỉ được tiếp cận với một số trường học nhất định.
Sinh viên Nhật thường học tiếp lên chuyên ngành mà họ học ở đại học. Thậm chí nếu họ thay đổi trường hoặc giảng viên thì vẫn có mối liên hệ tốt với các giáo sư cũ để hỗ trợ việc học hành. Tuy nhiên, sinh viên nước ngoài phải thu thập thông tin từ đầu để quyết định trường nào sẽ phù hợp nhất với chuyên ngành mà họ lựa chọn.
“Họ có thể biết những đại học danh tiếng như Đại học Tokyo hoặc Waseda nhưng lại không biết rằng có rất nhiều trường khác chất lượng cũng khá”, Tokuda cho hay.
Số sinh viên nước ngoài học cao học tại Nhật đang tăng lên. Năm 1998, con số này là 20.483 và đến năm ngoái là 29.514.
Đằng sau việc sinh viên nước ngoài sang Nhật học cao học tăng lên là các quốc gia châu Á ngày càng giàu có hơn. Những sinh viên này muốn kiếm tấm bằng danh giá để tìm được việc làm ngon khi trở lại quê nhà.
“Ở Đài Loan, chỉ với tấm bằng cử nhân thôi thì bạn khó mà kiếm được việc làm tốt”, Tokuda cho biết.
Cùng với số sinh viên sang học theo dạng học bổng chính phủ thì số gia đình sẵn sàng đầu tư tiền cho con theo học cao học ở Nhật cũng tăng lên.
Như trường hợp của Ni, vấn đề vô cùng đơn giản. Sau khi tốt ngiệp đại học Hắc Long Giang, anh muốn kiếm tấm bằng thạc sĩ nhưng cạnh tranh ở Trung Quốc lại quá khốc liệt.
“Giờ đây người tốt nghiệp đại học nhiều như lợn con, nên bằng đại học không đảm bảo kiếm được việc làm tử tế”, Ni cho hay. Vì thế, anh quyết định sang Nhật để học tiếp lên và mở rộng tầm mắt.
Mỗi năm học của Ni ở Nhật ngốn mất 100.000 nhân dân tệ (khoảng 200 triệu VND). Vì Ni là con một nên bố mẹ anh chu cấp toàn bộ.
Tỷ lệ sinh ở Nhật ngày càng giảm là động lực khiến các trường đại học nước này tuyển sinh viên nước ngoài.
“Sinh viên nước ngoài thực sự chăm chỉ”, Toshio Tanaka, nhân viên tuyển sinh của Đại học Takushoku, cho biết. “Tôi phải thừa nhận rằng sinh viên nước ngoài có động lực mạnh mẽ hơn sinh viên Nhật”.
Rõ ràng nhiều sinh viên nước ngoài quyết tâm theo đuổi mục tiêu học hành ở đây. Ari Artadi, 27 tuổi, từ Jakarta đến Nhật hồi tháng tư. Làm trợ giảng đại học ở quê nhà, Ari chia tay vợ sang Nhật kiếm bằng cao học để có thể trở thành một giáo viên giỏi hơn.
Ari học tiếng Nhật tại Indonesia nhưng anh cho rằng học ngôn ngữ đó tại bản địa thì khác rất nhiều.
Những ngày trong tuần, sau bữa tối anh học ít nhất 3 tiếng và học thêm tại trung tâm tiếng Nhật Tokyo từ 9h sáng đến 4h chiều.
“Vấn đề không phải là coi nhẹ mọi chuyện”, Artadi cho biết. Anh thừa nhận đã suýt phát điên khi bị điểm kém trong bài kiểm tra đầu tiên. Một chuyện quan trọng nữa là thường xuyên gọi điện cho vợ, Ari mỉm cười nói.
Ngọc Sơn (theo Asahi)
Nguồn: VNexpress