Suy nghĩ tích cực – sống hết lòng và biết ơn

Thân gửi quý vị độc giả!
Tiếp tục những bài viết dành cho các bạn thanh niên, sinh viên đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, Ban biên tập website VYSA đăng bài phỏng vấn “Suy nghĩ tích cực – sống hết lòng và biết ơn” của ông Đinh Văn Phước (Kato Fukukazu), nguyên Tổng Giám đốc công ty Tsubaki Yamakyu Chain (Tokyo, Nhật Bản). Bài phỏng vấn gồm 11 câu hỏi và trả lời mà ông Phước đã đúc kết trong hơn 50 năm sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Những nội dung chính của bài phỏng vấn này đã được lược đăng trên website Báo Tuổi trẻ online ngày 26/10/2016.

  1. Khi ở VN, ông đã từng học tại những ngôi trường được cho là có điu kiện giáo dục tốt nhất thời bấy giờ (Petrus Ký, ĐH Khoa học Sài Gòn). Sang Nhật tiếp tục học và làm việc, ông thấy sự khác biệt nào là lớn nhất v giáo dục giữa VN và Nhật Bản?

Trước nhất hai nước giống nhau về số năm học, 6 tuổi trẻ em bắt đầu vào tiểu học, 18 thì xong trung học và đại học mất thêm 4 năm. Về trình độ học vấn, cho dù giữa hai nước có sự chênh lệch đi chăng nữa tôi cho là không quan trọng, bởi vì cái học ở nhà trường là cái học sách vở, tuổi trẻ vẫn còn nhiều cơ hội học hỏi trong trường đời và chỉ ở trường đời tuổi trẻ mới rèn luyện được thực lực.
Điều khác biệt đáng nói nhất giữa hai nước là về môi trường giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người. Việt Nam chỉ dạy kiến thức sách vở, thiếu thí nghiệm, không có các sinh hoạt bên lề việc học, còn ở Nhật Bản ngay từ tiểu học, trước hay sau giờ dạy kiến thức, hầu hết các em bé Nhật Bản đều tham gia một sinh hoạt Club (không bắt buộc) nào đó. Thầy Cô đứng ra chủ trì các Club thể thao, hợp xướng, hòa nhạc, hội họa, diễn kịch, thí nghiệm khoa học v.v… Hằng năm các em trong các Club được tuyển và đưa đi dự các cuộc tranh giải có quy mô toàn quốc, các hoạt động này không được phản ánh trong thành tích học tập, thế mà các em lại hớn hở tham gia có vẻ như là hơn cả việc học. Nhà trường còn tổ chức cho các em đi xem các trận tranh giải thể thao quốc tế, xem tranh, nghe hòa tấu nhạc cổ điển, đi du lịch v.v… Trung học cũng vậy và Đại Học tự do hơn, nhà nghề hơn. Chính môi trường bên lề học vấn này đã đóng góp hữu hiệu trong việc đào tạo những người con xuất sắc cho đất nước.
Theo tôi không phải trong giây phút miệt mài học hành mà chính trong không khí vang lừng tiếng reo hò ở sân vận động, không khí trang nhã của phòng triển lãm tranh, quang cảnh tráng lệ của nhà hát lớn mà các em hình thành, ấp ủ nhiều ước mơ.
Ra đời, tôi làm việc được không phải chỉ nhờ vào cơ sở chuyên môn mà thật ra là nhờ vào nhiều thứ khác như dai sức, không chịu thua, còn nước còn tát, bén nhạy, trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm. Những điều đó tôi có được là nhờ tập tành với bạn bè và học được từ các bậc đàn anh trong các hoạt động ngoài giờ học, chứ sách vở không dạy tôi.
Ở đại học ban đầu tôi vào Club bóng bàn, năm sau do một duyên cơ khác tôi đổi sang tập võ Karate. Hai môn thể thao này giúp tôi có sức khỏe, bóng bàn giúp tôi có phản xạ nhanh, bình tĩnh trong mọi tình huống và có tinh thần đồng đội, Karate giúp tôi có tự tin, tay tuy là tay không, nhưng khi tôi nắm chặc nó lại, nó là vũ khí.

  1. Điu gì đã khiến ông quyết định ở lại và nhập quốc tịch Nhật?

Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí năm 1966, cũng là lúc chiến cuộc ngày càng leo thang, chiến tranh là lý do tôi ở lại, tìm việc làm và lập gia đình với người Nhật Bản. Do nhu cầu phải thường xuyên ra nước ngoài giao dịch với các đối tác quốc tế, tôi lấy quốc tịch Nhật năm 1985.

  1. Ngày hôm nay, ông tự nhận mình là người VN hay Nhật Bản? Ông nghĩ điu tiên quyết nhất người Việt nên học ở người Nhật là gì?

Gốc rễ tôi vẫn là Việt Nam.
Đa số người Việt, ai cũng kính trọng con người và đất nước Nhật Bản. Tôi nghĩ điều tiên quyết nhất người Việt nên học từ người Nhật là: “Lòng khao khát cầu học cầu tiến & tinh thần chia sẻ”, bởi vì qua những tiếp xúc tuy có giới hạn nhưng trải dài cho đến cả bây giờ tôi nhận xét người Việt Nam ta không thực sự có tính cầu học cầu tiến. Từ trên xuống dưới không nhiều thì ít ta thường nói lên hai chữ “tự hào”, trong đó hàm tính “tự mãn”, hoặc về dân tộc hoặc về sự hiều biết của mình, tự đánh mất cơ hội học hỏi, và khi “tự hào” đi quá trớn, chính mình là người cản trở cải cách mà tự mình không hề ý thức.
Quá trình dựng nước của Nhật Bản từ ngàn xưa và cho đến mãi bây giờ theo tôi là quá trình không ngừng cầu học cầu tiến. Ngày xưa triều đình phái nhân tài sang học Trung Quốc. Đến cuối thế kỷ 19 khi canh tân đất nước (Minh Trị Duy Tân), thành phần lãnh đạo chủ trương “Thoát Á Nhập Âu” dứt khoát bỏ Trung Quốc theo Tây phưong vì thấy được sức mạnh cơ giới. Một khi giai tầng bên trên tiếp cận kiến thức mới, họ tạo cơ cấu, phong trào để truyền bá rộng rãi trong dân chúng và nhờ tạo được sự “cộng hưởng” của dân chúng mà họ đã canh tân được đất nước. Trong đời thường, tính cầu học cầu tiến hiện rõ trong cung cách làm việc, lúc nào họ cũng muốn tìm tòi để làm tốt hơn sản phẩm của họ, dù làm đôi dép rơm, họ cũng muốn nâng lên đến hàng nghệ thuật.

  1. Trong mấy mươi năm làm việc của ông, thất bại nào là lớn nhất? Ông đã vượt qua và khắc phục bằng cách nào?

 Trong non nửa thế kỷ chỉ làm việc cho một công ty, thất bại nhỏ thì nhiều nhưng tôi không phạm thất bại nào lớn, ngược lại khi công ty kiệt sức vì thua lỗ (1996), tôi được ủy thác nhiệm vụ xây dựng lại, cũng chỉ chừng ấy người cũ của thời thua lỗ, chúng tôi đã vươn lên chiếm vị trí dẫn đầu trong ngành.
Người nào hết lòng làm việc thì vận dụng được khả năng của mình, hết lòng với mọi người thì tranh thủ được sự cộng tác tận tình của người khác, hết lòng lo nghĩ đến cả tình thế tệ nhất thì không có lý do gì người đó lại phạm thất bại đến độ không biết cách giải quyết. Người ta thất bại là vì người ta không hết lòng, cứ ỷ y vào người này, chuyện nọ.

  1. Nhiu người nhận xét cuộc sống của người Nhật ở Nhật Bản là quá căng thẳng vì sự kỷ luật, nghiêm khắc, ông có cảm giác như vậy không?

 Nhận xét người Nhật sống căng thẳng là một nhận xét đúng, nhưng cho đó là vì sự kỷ luật, sự nghiêm khắc thì tôi nghĩ là không đúng.
Kỷ luật là dân tộc tính của người Nhật Bản. Đợi để lên xe, người ta xếp hàng. Đứng chờ nhận thức ăn hay các đồ cứu trợ sau các vụ thiên tai thảm khốc người Nhật cũng kiên nhẫn xếp hàng không chen lấn, giành giựt, xe chở đồ cứu trợ không có lính cầm súng đứng canh. Khi nó là một dân tộc tính, nó trở thành tự nhiên như khi ta hít và thở, người hít thở mà thấy bị căng thẳng là một người đang mắc bệnh gì đó.
Trong công việc người Nhật nghiêm nghị và tỉ mỉ, công ty tôi đã phạm nhiều lỗi kỹ thuật khác nhau gây thiệt hại trầm trọng cho một số khách hàng khác nhau, nếu khách hàng nghiêm khắc thì hẳn công ty tôi đã bị phá sản, điều họ bắt buộc chúng tôi phải làm là tìm cho ra nguyên nhân, điều nào là của họ, điều nào của chúng tôi, giải quyết bằng cách nào và chừng nào xong, mục đích là để cho nhà máy có thể sớm chạy lại được, chuyện tiền nong tính sau, bên nào sẽ chịu phần nào.
Ý tôi muốn chia sẻ, khi xem kỷ luật là một đức tính chứ không phải là bị kềm kẹp, khi xem nghiêm nghị là một tư cách phải có chứ không phải là hống hách tay trên thì hai yếu tố đó giúp đưa ta đi lên chứ không hề dìm ta xuống. Tất cả đều tùy thuộc vào cách nhận định: tiêu cực hay tích cực, tôi đề nghị ta nên chọn cái nhìn tích cực.
Về lý do tại sao cuộc sống ở Nhật Bản (không riêng gì người Nhật) lại quá căng thẳng, tôi có thể gom về hai yếu tố chính, một là cạnh tranh khắc nghiệt, hai là tinh thần trách nhiệm cao. Mặt khác phải công nhận rằng tính nghiêm nghị và tỉ mỉ của người Nhật, tùy theo cách cảm nhận, sẽ có người xem đó là mục tiêu để vươn lên tầm cao hơn nhưng chắc chắn cũng có người xem đó là áp lực gây căng thẳng cho mình.
 

  1. Tuổi trẻ, nhất là giới trẻ ngày nay thường sốt ruột, muốn thành công sớm, không ngại khó nhưng dễ bỏ cuộc, thích nhảy việc khi có thêm lựa chọn… Tuổi trẻ của ông có những lúc như vậy không? Ông đã có những trải nghiệm như thế nào để rút ra được phương châm của mình: không nghĩ khó, không lạc quan, không bi quan, không bỏ cuộc?

 Câu hỏi mang tính tiêu cực về tuổi trẻ nhưng tôi muốn có cái nhìn tích cực, tôi tin tuổi trẻ dù ở đâu, dù ở thời đại nào đều có hoài bão và bầu máu nóng, là động lực thúc đẩy cải cách và tiến bộ. Người lớn nên tự hỏi mình đang khích lệ hay đang cản trở bước tiến của tuổi trẻ. Tôi nghĩ như vậy là tại vì lúc còn trẻ tôi cũng có một thời kỳ ngắn hầu như bỏ cuộc vì bất mãn cùng cực về cấp trên, sáng nào thức dậy cũng không muốn đi làm, nhưng tôi đã may mắn thoát ra khỏi vực thẳm suy thoái tinh thần ấy với sự nâng đỡ của nhà tôi. Nhờ đó mà tôi nhận ra rằng tất cả đều tại tôi, không thể đổ thừa cho ai – cấp trên, bạn đồng nghiệp, môi trường xung quanh – và, nếu bỏ cuộc thì vĩnh viễn tôi sẽ là người thua cuộc.
Tuổi trẻ muốn thành công sớm?
Nên khích lệ vô điều kiện. Bill Gates, Honda So-ichiro đều là các nhân vật thành công lớn khi còn rất trẻ.
Tuổi trẻ thích nhảy việc?
Tôi không nhảy việc nhưng tôi chấp nhận nhảy việc là một cơ hội tiến thân, hãy tin vào sức phán đoán của tuổi trẻ, chỉ cần căn dặn tuổi trẻ một điều là phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Phải tự hỏi: một là mình nhắm đến cái gì mà nhảy việc, hai là liệu những điều mình nhắm đến có thể thực hiện được trong môi trường mới hay không? Nếu chỉ vì hơn kém chút ít đồng lương thì tuyệt đối không nên, bởi vì mình sắp bắt đầu lại từ con số không.
Còn về “sốt ruột và bỏ cuộc” thì tuyệt đối không nên. Tôi tin tuổi trẻ Việt Nam biết các câu “Nước chảy đá mòn”, “Cố công mài sắt có ngày nên kim” và “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, cả ba đều hàm ý có chịu khó và bền chí thì việc gì làm cũng được.
Qua công việc của người kỹ sư tôi thấy rõ một sự thật đơn giản: chuyện gì làm được hay làm không được đều có hai loại nguyên nhân, “vô cơ” xuất phát từ lý do mang tính chất máy móc và “hữu cơ” xuất phát từ các quan hệ giữa người và người. Có thấy được thực chất của vấn đề nằm ở đâu thì giải quyết được còn không thì sẽ thất bại. Làm được do mình, làm không được cũng tại mình, không đổ thừa, không viện cớ tự biện hộ.
Từ đó tôi không nghĩ khó, không lạc quan, không bi quan, tập trung mọi khả năng và thời giờ đem hết lòng mình ra làm việc, dần dần mọi việc đều đâu vào đó và tôi tìm thấy thích thú trong công việc.

  1. Ông có nhiu bằng sáng chế v băng chuyn tải trong phạm vi công việc của mình, đó có phải là đam mê từ thời trẻ của ông không? Ông có thể chia sẻ v kinh nghiệm để nuôi được sự sáng tạo trong công việc, nhất là công việc có vẻ khô khan như kỹ thuật, máy móc? Theo kinh nghiệm của ông, vì sao các nhà khoa học VN không sáng tạo được trong lĩnh vực này, để nên nỗi “không sản xuất được con ốc đúng tiêu chuẩn”?

Thực ra lúc trẻ tôi không có ước mơ hay đam mê nào đáng nói, tôi chỉ biết cắm đầu học, đi thi cho đậu, còn không sẽ bị bắt đi lính.
Sáng chế của tôi chỉ là một loại “Cái Khó ló cái Khôn”, chỉ là kết quả của khổ công ngày đêm suy nghĩ, tìm hết cách để giải quyết khiếu nại về khiếm khuyết của các mặt hàng đang có, hoặc là do nỗ lực đáp ứng đòi hỏi của khách hàng cần một tính năng mới. Bằng sáng chế thực ra chỉ là tờ giấy chứng nhận một tính năng mới chưa có trên thị trường.
Về vấn đề “không sản xuất được con ốc đúng tiêu chuẩn”, trao đổi với một số bạn kinh doanh trong nước, chúng tôi thấy vấn đề này không quan trọng và không đáng để ta kêu ca. Bởi vì trong thời đại Xe ô-tô điện (EV), Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT), Trí Tuệ Nhân Tạo (AI), Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) thì dù có làm được mấy con ốc đúng tiêu chuẩn vẫn không thể đưa Việt Nam lên hàng có sức cạnh tranh với thế giới. Vấn đề cũng không phải các nhà sản xuất Việt Nam không có trình độ mà là không thấy được nhu cầu hay không tìm được đối tác trong mô hình sản xuất mới, mô hình phục vụ mới của thế giới ngày nay (không nhất thiết cái gì cũng tự mình chế tạo) đang chú trọng đến cái được gọi là “Chuỗi Cung ứng” (Supply Chain) để biết tận dụng cơ hội tham gia vào “guồng máy phân công” đang quay trên toàn cầu. Do đó điều đáng thảo luận nhiều hơn là làm sao có tầm nhìn để “chọn lựa & tập trung” đầu tư đúng vào một địa hạt nào đó – nếu vẫn là chuyện sản xuất con ốc thì phải là loại con ốc chỉ có nhà máy mình chế tạo được – mới đủ sức cạnh tranh với các tay chơi quốc tế theo đúng luật chơi, tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi thiển nghĩ mọi người trong nước trong đó có cả các nhà khoa học, đang cố gắng làm việc trong vị trí của mình, nếu nó chưa đưa lại kết quả mong muốn thì trách nhiệm đó nằm ở cấp cao bên trên, nằm ở cấp nắm quyền quyết định chiến lược và kiến tạo môi trường làm việc cho mọi người.
Chúng ta ưa nghĩ Người Sáng tạo là Thiên tài, là một loại người siêu phàm, tính sáng tạo là một tài năng thiên phú. Trong điều kiện của Việt Nam tôi không mang hoang tưởng về các sáng tạo mở cửa cho một “chân trời mới”. Từ ý nghĩ đó tôi đề nghị ta nên đổi chữ “sáng tạo” thành “sáng kiến” tập trung vào lãnh vực chế tạo, nỗ lực kết hợp một số tính năng đã có sẵn để đẻ ra một tính năng hoàn toàn mới cho một số điều kiện ứng dụng mới thì mọi chuyện đều có thể làm được vì nó không đòi hỏi thiên tài. Xin đưa một thí dụ về một sáng chế trong ngành bao bì. Lon và Chai là hai thứ đã có từ xưa, nhưng Nhật Bản đã biến cái lon thành cái “chai” mà họ đặt ra một tự vựng mới gọi nó là “lon chai” (Bottle can) và bây giờ đa số lon đựng nước uống cà phê ở Nhật là “lon chai”.
Mặt khác một Ý Mới có thể đột nhiên đến trong khi ta đang nghỉ ngơi thoải mái, hay trong tình trạng ta đang bị bí, phải giải quyết một vấn đề sống chết. Say mê, Trực giác, Hiếu kỳ, Nỗ lực Cải tiến đều là các cội nguồn của sáng tạo. Cũng phải thấy rằng một Ý Mới như một tia chớp bắt nguồn từ một cá nhân nhưng để biến nó trở thành một Sản Phẩm Mới hữu dụng thì phải tốn nhiều thời gian và công sức của nhiều người trong nhiều ngành cùng hợp tác với nhau mới thực hiện được. Vì vậy để phát huy được óc sáng tạo cần có một cơ chế trọng thưởng tài năng cá nhân và phải tạo một môi trường để mọi người thấy thích làm việc. Chính vì hai điều này mà tôi nói ở đoạn trên về trách nhiệm của thành phần định chính sách “bên trên” chứ không phải chỉ quy trách nhiệm cho các nhà khoa học, chuyên viên bên dưới.

  1. Thành công nào làm ông tự hào nhất? Ông đã đạt được điu đó như thế nào?

Điều làm tôi nức lòng nhất là khi thấy công ty dần dần chiếm được ưu thế trong cạnh tranh, cuối cùng chiếm được vị trí dẫn đầu trong ngành mặc dù chúng tôi chì là một tập hợp của những người bình thường không thể gọi là giỏi và bắt đầu từ vị trí yếu kém về mọi mặt, từ vốn, nhân tài, tích lũy kỹ thuật, đến cơ cấu tổ chức.
Vai trò của tôi có thể gói ghém trong chữ “SAI”, xin phép được dùng tiếng Anh: Share – Assist – Inspire hay Chia sẻ – Hổ Trợ – Động viên (qua khích lệ và gợi cảm hứng).
Chia sẻ là ở là chỗ sau khi định hướng chiến lược, các mục tiêu và thời khóa biểu thực hiện, tôi chú trọng vẽ cho các cấp quản lý trung gian – chính họ sẽ phải cùng tôi hay thay tôi thực hiện chiến lược đó – thấy được tương lai công ty sẽ đi về đâu và họ sẽ có được một đời sống sung túc hơn, có nhiều cơ hội thi thố tài năng hơn.
Hỗ trợ là ở chỗ đòi hỏi báo cáo định kỳ, kiểm chứng chi tiết báo cáo bằng cách đi xuống hiện trường để chính mình thấy rõ các cấp quản lý trung gian đang gặp khó khăn gì, từ đó kịp thời cùng họ giải quyết hay giúp họ phương pháp để họ tự giải quyết.
Động viên sự cộng tác của mọi nhân viên một cách không bè phái, khen thưởng họ khi họ làm việc có kết quả, gợi cảm hứng cho họ khi thấy được điểm mạnh, sở trường của họ, từ đó thôi thúc họ nhận lãnh nhiệm vụ khó hơn hay trách nhiệm cao hơn.
SAI” nói ra nghe có vẻ sách vở, nhưng đó là phương châm hành động khi tôi đóng vai trò chủ chốt trong công ty (1996-2013), phương châm đó bắt nguồn từ các bất mãn cùng cực về các cấp trên ở thời còn trẻ, và của cố gắng trong thời lãnh trách nhiệm làm cấp trên, không lập lại các tệ hại mà tôi đã thấy khi còn trẻ ấy.
Theo tôi, người chỉ huy không thể là người chạy một mình phía trước rồi khi quay lại thì không thấy ai, người chỉ huy phải cùng chạy với mọi người và hết lòng vì mọi người.

  1. Qua trao đổi và được biết ông đã từng trao đổi, giao lưu v những trải nghiệm, đúc kết của mình với nhiu sinh viên, bạn trẻ VN, có thể thấy rằng nhu cầu chia sẻ và muốn truyn lại những kinh nghiệm của mình trong ông là rất lớn. Hẳn điu này ông đã học được của người Nhật. Ông đã từng được chia sẻ, giúp đỡ như thế nào khi còn là một sinh viên, một người Việt trẻ ở xứ lạ? Và quan niệm sống mà ông đã rút ra được sau đó.

 Quan niệm sống của tôi là “Biết ơn”.
Tôi đã nhận được rất nhiều giúp đỡ từ phía người Nhật và xã hội Nhật, khó nói hết được ra đây, nhưng có thể tóm tắt như sau, trước nhất là những giúp đỡ của ký túc xá và nhà trường. Phần quan trọng hơn là từ phía các cá nhân người Nhật Bản, họ giúp chúng tôi một cách vô vụ lợi, các Thầy hết lòng chỉ dẫn, các bậc đàn anh trong các Club bóng bàn và Club Karate bỏ cả thời giờ, tiền bạc và công sức đến huấn luyện chúng tôi trong các kỳ trại huấn luyện tập trung vào các vụ nghỉ Xuân, Hè. Và tôi phải ghi nhớ một số sinh viên Nhật cùng thời đã tận tình giúp sinh viên Việt Nam chúng tôi trong phong trào đòi hòa bình cho Việt Nam, mà ở một chừng mực nào đó họ đã hy sinh tương lai của chính họ cho Việt Nam vì họ đã bỏ mất cơ hội tiến thân cho riêng họ.
Tôi trưởng thành và sinh sống ở Nhật, nhưng tôi tin rằng dù sống ở đâu thành công của mỗi người tuy xuất phát từ nỗ lực và tài năng của riêng họ nhưng tất cả chỉ có thể thực hiện được trong lòng xã hội họ đang sống. Ở đó có cha mẹ, anh em, bà con thân thích, vợ/chồng con cái, bạn bè, hàng xóm láng giềng, môi trường giáo dục, đồng nghiệp, khách hàng, tiện nghi do cơ cấu xã hội cung cấp. Không một cá nhân nào thành công mà không nhận ơn huệ của xã hội.

  1. Ông có quan tâm đến những diễn biến thời sự tại VN không? Nếu có, thì một trong những vấn đ nóng bỏng và ảnh hưởng rất lớn đến người dân là bảo vệ môi trường trước các chất thải công nghiệp. Có nhiu năm làm việc trong ngành công nghiệp ở một đất nước vốn rất khắt khe trong bảo vệ môi trường như Nhật Bản, quan điểm của ông trước vấn đ này như thế nào?

 Tôi không quan tâm đến các diễn biến thời sự và chỉ mới gần đây tôi theo dõi vấn đề an toàn thực phẩm, vụ chặt cây xanh và vụ cá chết.
Là người của công việc, tôi nhìn vấn đề bảo vệ môi trường như thế này:
Nước nào trong quá trình công nghiệp hóa, đều vấp vấn đề ô nhiễm môi trường, mọi nước dù Âu Mỹ hay Nhật Bản đều đi qua giai đoạn “phá hoại” môi trường thiên nhiên vì dành ưu tiên cho vấn đề phát triển, ưu đãi các công ty lớn, và nhất là vì không ai biết trước đây là vấn đề. Việt Nam là nước đi sau, chuyện gì xảy ra ở Việt Nam chắc chắn đã xảy ra ở đâu đó trong số các nước tiên tiến, chỉ cần nhanh chóng truy cập tin tức thì tất biết nước nào đã giải quyết vấn đề đó bằng cách nào.
Song song với vấn đề tìm cách giải quyết sự cố là vấn đề thông tin, không thể để cho dân chúng đã nghèo khổ mà phải sống trong tình trạng không biết tương lai sẽ đi về đâu. Không có sự tích cực và chính xác trong thông tin (khác với sự phanh phui) tự nó là sự cố ý dấu diếm, ép nhẹm, chính ở đây báo chí đóng vai trò rất quan trọng.
Giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm, chặt cây xanh, cá chết hay các vấn đề khác trong tương lai, theo tôi không khó về mặt kỹ thuật mà khó trong việc xây dựng một chiến lược phát triển quốc gia biết chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trách nhiệm đó thuộc về nhà nước, hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của một cá nhân.
Tháng 6/2016 Mỹ mới phạt công ty Volkswagen khoảng 15 tỉ $US trong vụ gian dối về khí thải của động cơ diesel, Nhật cũng cứu dân bằng cách cấp trợ cấp về tiền mặt và lo chạy chữa cho nạn nhân bị tê liệt thân thể vì thần kinh bị nhiễu loạn do ăn cá nhiễm thủy ngân trong nước thải nhà máy ở 2 vùng biển Minamata (1950-60) phía nam, và Niigata (1960) phía bắc. Trong sự cố của nhà máy phát điện hạt nhân ở Fukushima sau thiên tai Sóng thần (3/2011), chính phủ Nhật một mặt không để cho công ty Điện Lực Tokyo bị phá sản, một mặt giúp bồi thường thiệt hại cho dân cư sơ tán một số tiền mặt hậu hĩnh (nhưng không đủ vì đã phá hủy cuộc sống tinh thần, cuộc sống đoàn tụ gia đình…) và lo chăm sóc sức khỏe cho người dân đang lánh nạn. Đó là các bài học Việt Nam có thể tham khảo.

  1. Điu gì ông đang dự định làm sắp tới (ở tuổi 75)?

 Tôi không có dự định cụ thể. Tôi tự cho phép mình nghỉ ngơi sau non nửa thế kỷ làm việc.
Nếu có làm gì thì sẽ hướng đến giới trẻ Việt Nam.
Giới thiệu về tác giả:

Ông Đinh Văn Phước - Kato Fukukazu
Ông Đinh Văn Phước – Kato Fukukazu

  • Sinh năm 1942 tại Phan Rang
  • 1957-1960: Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (Lê Hồng Phong bây giờ)
  • 04-1961    : Du học Nhật bản với học bổng của chính phủ Nhật Bản
  • 03-1966    : Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ Khí Tokyo Kogyo Daigaku
  • 12-1966     : Kỹ sư tập sự ở Công ty Yamakyu Chain  (về sau trở thànhTsubaki Yamakyu Chain)
  • 04-1971     : Được nhận làm nhân viên chính thức của công ty
  • 06-1986    : Giám đốc phụ trách Bộ Môn Cơ Khí Chính Xác
  • 06-1996    : Giám đốc Điều hành (Managing Director)
  • 06-2010   : Tổng Giám Đốc
  • 07-2013   : Cố Vấn Kỹ thuật phụ trách Khai thác Sản Phẩm Mới cho đến hiện tại.

Xem thêm nội dung các bài học “Hành trang vào đời” của tác giả: