|
Đã từng tập võ Nhật, ai mà chẳng mơ ước một lần đến xứ Phù Tang để tập ở võ đường Nhật cho… thỏa chí. Tôi được sang Nhật và tìm cách vào một dojo (đạo đường) Aikido thuộc Đại học Hokkaido. |
Shihan (thầy) giảng dạy ở dojo này tên là Susumu Shoji. Ông không cao lớn quá mức, nhưng to con và bụng khá bự. Ông không dạy thường xuyên ở đây mà chỉ ghé qua dạy vài bữa rồi lại tiếp tục đi sang các dojo khác, giống như một tour tập huấn đều đặn cho các võ đường khác nhau. Hằng ngày, lớp có một huấn luyện viên nữ chỉ dạy. Cô ấy còn rất trẻ và nhỏ xíu như một học sinh THPT. Lớp học nằm ở lầu 2 của một tòa nhà lớn, có nhiều phòng tập cho các môn võ khác. Thảm tập (tatami) cực kỳ sạch sẽ và rất rộng, khoảng 100m2. Phòng tập có khu vực trang bị nhiều hộc để đồ, phòng thay đồ riêng biệt, khu nhà tắm hơi riêng, đi ra vào cũng có dép riêng. Bàn thờ tổ ở trên cao, ngay vị trí trang trọng nhất.
Bắt đầu giờ học, hơn 60 võ sinh ngồi thành vòng tròn trên tatami. Sau khi bái tổ, khởi động xong (cũng mất 45 phút và ai cũng mướt mồ hôi trong cái lạnh đến 6oC của mùa thu Hokkaido), shihan bắt đầu chỉ đòn thế. Võ sinh lúc này ngồi làm hai dãy, im lặng như tờ và dán mắt vào từng động tác của shihan. Aikido không có quá nhiều kỹ thuật lắt léo, đòn thế nhiều lúc nhìn như múa, nhẹ nhàng nhưng nếu đánh đúng thì uy lực vô cùng. Vì thế mà việc bắt được cái “ý” trong cái “hình” đơn giản ấy đòi hỏi võ sinh phải cực kỳ chăm chỉ. Vào giờ tập đòn, mình mẩy người nào cũng mồ hôi nhễ nhại như đang xông hơi. Cứ 20 phút tập, 10 phút ngồi nghe shihan chỉ đòn, rồi lại ra thực hành, buổi tập kéo dài từ 6 giờ 45 đến hơn 9 giờ tối mới kết thúc.
Khi vào tập, tôi hơi ngỡ ngàng vì đây là aikido phái Takeda (aikido Takeda-ryu). Thầy Sokaku Takeda (1859 – 1943) từng là thầy dạy aiki-jujitsu (hiệp khí nhu thuật) cho Tổ sư aikido M.Ueyshiba. Năm 1919, khi còn tầm sư học đạo khắp nơi trên nước Nhật và chưa sáng tạo ra aikido, anh chàng Ueyshiba 29 tuổi đến sinh sống tại Hokkaido (khi đó còn hoang sơ) và chỉ vài năm sau đã nổi tiếng về sức mạnh cũng như võ thuật. Thế nhưng khi vào học ở đạo đường của thầy Takeda, Ueyshiba tự nhận rằng trình độ của mình chưa là gì so với thầy Takeda cả. Sau này, ông có nói rằng: “Takeda đã mở mắt cho tôi nhìn thấy budo (võ đạo) chân chính”. Những năm sau cùng của cuộc đời, thầy Takeda tập trung giảng dạy ở Hokkaido, và vì thế aikido tại đây là phái Takeda, có khác đôi chút với aikikai rất phổ biến ở Nhật, Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo lời của shihan Shoji, ở Nhật có hai loại võ đường aikido: thương mại và phi thương mại. Với loại đầu, học phí từ 5 ngàn đến 10 ngàn yen (tức khoảng 50 – 100 USD/tháng), nhưng không phổ biến. Phần lớn các võ đường được điều hành bởi các huấn luyện viên tình nguyện nên học phí chỉ là tượng trưng, dùng để chi trả các khoản thảm tập, cơ sở vật chất (nhà tắm, lao công dọn dẹp…). Một số võ đường còn miễn phí, nhưng phần đông đều nhận khoảng từ 500 đến 5.000 yen (5 – 50 USD, chỉ bằng 2 bữa ăn của người Nhật) tiền lệ phí thành viên.
Áo tập (doughi) ở Nhật rất đắt, từ 25 nghìn đến 35 nghìn yen (250 – 350 USD/bộ – đồ xịn có khác). Nhìn vào cuốn catalogue các loại võ phục cũng đủ biết tập võ đã trở nên quen thuộc như thế nào với người Nhật, nhất là khi họ có nhiều võ phái với hàng triệu môn sinh khắp thế giới. Nào là quần áo kendo, judo, karatedo, aikido, aiki-jujitsu, aiki-budo, đều khác nhau cả. Ngay cả doughi aikido cũng khác với võ phục Tân Việt ở Việt Nam. Giữa hai vạt áo, ngay trước bụng có một dây buộc hai vạt với nhau. Vạt áo không khép quá, phần bụng to (phù hợp với những người bụng bự!).
Trước khi kết thúc buổi tập ở võ đường Hokkaido, võ sinh có truyền thống đứng vòng tròn và ai có điều gì bức xúc, ưng ý hay cần chia sẻ đều đứng ra phát biểu cho cả lớp nghe. Tôi cũng được yêu cầu tự giới thiệu (vì lần đầu đến tập). “Tôi đến từ Việt Nam, tôi thích aikido, cám ơn thầy và mọi người đã chỉ dạy”… vốn tiếng Nhật ít ỏi của tôi chỉ cho phép tôi nói có thế, nhưng các bạn Nhật vỗ tay chào đón rất nhiệt tình. Tự nhiên tôi cảm thấy bước vào aikido giống như bước vào một căn nhà chung, thấm đẫm lời dạy “vũ trụ nhất gia” của Tổ sư Ueyshiba…
Hà Nguyên
Theo: THANH NIÊN