Tại sao lưu học sinh không muốn trở về?

du-hoc-nhat-ban1Có nên trở về nước ngay sau khi tốt nghiệp không? Đây là một câu hỏi lớn với các lưu học sinh (LHS) đang học tại các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, không chỉ hẳn là LHS Việt nam. Nhiều người cho rằng không quay về nước như là một sự phản bội, tuy nhiên có một thực tế rằng ít sinh viên cảm thấy thỏa mái, an tâm khi quyết định mình sẽ quay trở về.

Tôi khỏi phải bàn vấn đề là ở lại các nước khoa học kỹ thuật phát triển thì các LHS có thể nhận được lương cao ít nhất là gấp 10 lần với đồng lương còi cọc mà họ nhận được ở Việt nam và họ có thể làm việc như những nhà khoa học thực thụ, khỏi phải lo lắng bon chen với những điều nhỏ mọn của đời thường. Phần nhiều các LHS chỉ muốn ở lại một thời gian, củng cố chuyên môn, kiếm ít vốn rồi quay về nước. Nhưng không nhiều các LHS khi trở về lại theo đuổi tiếp tục ngành chuyên môn mà mình đã học bao năm ở nước ngoài, trừ các bạn ngành văn hóa, ngôn ngữ, kinh doanh…Tôi chỉ muốn đi sâu vào vấn đề thực tế là: Tại sao nhiều học sinh không muốn trở về nước sau khi tốt nghiệp? Nhiều người ở Việt nam chỉ trích các sinh viên nước ngoài nếu không quay trở về nước như những kẻ phản bội, ăn cắp tiền của nhân dân. Họ chỉ nghĩ đơn giản là các LHS không muốn trở về vì sợ không được nhà nước tạo điều kiện để cống hiến, vì lương thấp…nhưng thực tế thì không chỉ phải vậy. Thứ nhất khi bạn quyết định ở lại nước ngoài hay về Việt nam, chắc hẳn bạn cũng sẽ tham khảo ý kiến gia đình. Một số đông gia đình vẫn ủng hộ con em mình nên ở lại nước ngoài, chỉ trừ những người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, hoặc đã đủ ‘giàu’ rồi, vì khi về nước họ ăn chơi đến già cũng không hết tiền hoặc sướng như ông vua con mà thôi. Riêng trường hợp tôi thì khác, mẹ tôi thì ủng hộ tôi nên quay về vì tôi sống hợp với bà và quan tâm săn sóc bà nhiều nhất nên về già, bà muốn có tôi ở bên cạnh. Bố tôi thì ủng hộ tôi nên làm việc nghiên cứu khoa học ở nước ngoài một thời gian sau khi tốt nghiệp. Tôi nhớ từ thời đất nước còn đang chiến tranh, đang trong giai đoạn khó khăn bố tôi vẫn cặm cụi nghiên cứu khoa học, mong tìm ra được một giống ngô, lúa mới gì đó, có năng suất cao, ngon để giúp bà con nông dân. Công trình nghiên cứu hơn mười năm của ông, cộng với quãng đường đạp xe có lẽ đủ đi dăm vòng từ Bắc vào Nam để cầm một núi giấy tờ qua các cửa để xin kinh phí làm thí nghiệm. Cuối cùng thì ông cũng được cấp vốn, tôi nhớ là vài chục nghìn đồng hồi những năm 80 to lắm. Ông và các bác nông dân hỉ hả với những cánh đồng ngô trải dài, xanh mượt rồi cho ra những bắp ngô to, vàng óng. Thế rồi đề tài chỉ đi được 1/3 thì bị cắt vốn. Lý do cực kì đơn giản: Ông không biết cách chia phần tiền đề tài cho Ủy Ban Khoa học Tỉnh! Tiền đề tài nhận được ông dành hết cả cho thí nghiệm, nghiên cứu. Họ cứ viện lý do này lý do kia để rồi đôi lốp xe cứ mòn dần theo năm tháng khi ông lại gõ các cửa, gõ cả về Trung Ương. Rồi Trung ương lại giới thiệu về tỉnh…Ông chẳng nề hà bán cả ngay ngôi nhà đang ở để làm tiếp đề tài và nhà tôi vào tập thể ở. Bà con nông dân ai cũng biết những giống ngô lúa của ông tạo ra cho, nhưng ngôi nhà của gia đình tôi thì vẫn bốn bề gió lùa và mùa đông chúng tôi còn phải đắp thêm bao tải cho đỡ rét. Bố tôi suy nghĩ đơn giản quá, ông cứ nghĩ mình nếu cống hiến tốt, cho ra nhiều giống ngô lúa phục vụ cho sản xuất, giống như Mitsurin của nước Nga xưa kia, rồi cũng sẽ được ưu đãi. Tôi vẫn nhớ mãi hồi đó ông bảo tôi: ‘Giúp bố lai lúa nhé, sau này bố thành bác học thì cả nhà mình sẽ được ăn thịt mỗi tuần một buổi đấy’. Ông cũng từ chối khóa đi học Tiến sĩ ở Nga vì thí nghiệm của ông đang còn dang dở và ông nghĩ rằng ngay ở VN mình cũng có thể làm được nhiều thí nghiệm, cũng có thể tạo ra nhiều giống, sách vở thì ông có hàng kho, sách mới thì bạn bè sẵn lòng copy gửi cho ông. Tôi cũng nhớ mãi lời ông dặn:’Sau này con có nghiên cứu khoa học thì phải nhớ, khoa học phải trung thực như người Cộng sản, phải làm ra những điều có ích để phục vụ cuộc sống, cho bà con nông dân, cho xã hội’. Thời gian vẫn cứ trôi đi, tôi cũng lạ là bố tôi chẳng hề kêu than trách móc gì cấp trên hay điều kiện thí nghiệm khó khăn, ông bảo là nước mình bây giờ chỉ có thế. Tôi khi chuẩn bị thi vào cao học, khi mượn ông môt số quyển sách di truyền do người Nga viết, mới giật mình khi thấy hầu như trang nào cũng có ghi chép của ông. Khi chuyển nhà về Hà nội, một nửa xe ôtô vẫn là các chai lọ giống cây trồng của bố tôi. Bố tôi bảo: Đâu cần mình phải có bằng cấp gì đâu, mình là nhà khoa học trong lòng dân là được rồi. Bố tôi vẫn động viên mẹ tôi: Đâu phải là chỉ có nhà mình nghèo đâu, nhiều người vẫn nghèo hơn mình đấy. Đến ngay cả ông anh mình là Giáo sư, Tiến sĩ về ngành con rắn đầu tiên của Việt nam mà ông ấy cũng nghèo, chỉ hơn mình là cái nhà tập thể của ông ấy được xây bằng gạch. Bà biết rồi đấy, ở nhà ông ấy một tuần cũng chỉ toàn cơm rau thôi… Khi tôi được ra nước ngoài học ông rất mừng, ông dặn dò tôi: ‘Nước ngoài họ phát triển nhờ khoa học kĩ thuật hiện đại, thời của con khác thời của bố rồi. Nhà nước bây giờ cũng đã chú trong hơn, ưu đãi hơn. Tuy nhiên trong thời gian ở nước ngoài con nên học hỏi các kĩ thuật của họ, không chỉ trong mặt chuyên môn, mà cả những ứng dụng đơn giản trong sản xuất mà họ đang ứng dụng hang ngày nữa. Nếu có điều kiện ở lại thì nên ở vài năm nữa, làm việc với họ để học tập phong cách làm việc của họ, lúc ấy thì trở về cũng chưa muộn. Thời bố cứ nghĩ là ở Việt nam cũng sáng tạo ra khối thứ, nhưng đi nước ngoài mới thấy họ tiến xa quá. Kể cả ở thêm dăm năm rồi về nước cũng chưa muộn. Nhưng con nhớ là không nên ở cả đời ở nước ngoài. Bạn của bố là Giáo sư ở Đại học California năm ngoái gặp bố mới than một câu rằng: Đời người khổ nhất là thằng sống xa quê hương, về già nhìn lại cuốc sống của anh mà tôi lại thèm’. Câu chuyện của bố tôi là một ví dụ đơn giản về việc ở Việt nam cứ cống hiến, có tài…là được trọng dụng… và đó chỉ thường là câu nói phát biểu trên các hội nghị thường niên mà ai cũng hiểu rõ. Tôi không phải là người quá tiêu cực vì thời đại nay đã khác và Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho các nhà khoa học, điều mà thời xưa không thể có, ví dụ như chương trình học bổng chính phủ để lưu học chẳng hạn. Tuy nhiên chính sách xin, cho… trong nghiên cứu khoa học vẫn là những cái hố sâu, rộng để ngăn cản những ai muốn đi theo con đường khoa học thực thụ. Những người đội lốt là nhà khoa học, với các số liệu bịa đặt, vẫn được coi là chất xám của đất nước. Nhiều Hiệu trưởng, Chủ tịch Tỉnh chẳng ngần ngại bỏ cả tỷ đồng ra mua xe ô tô, bỏ hàng triệu ra chiêu đãi quan khách, trong khi đó phòng thí nghiệm thì rêu mốc, cán bộ phòng thí nghiệm thì vẫn hưởng đồng lương chết đói. Tôi xin kể tiếp một chút về một anh bạn đã là Phó GS của một trường Đại học ở Nhật bản. Anh đã có hơn năm mươi bài báo đăng trên nhiều tạp chí nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng, khi anh gửi một công trình của mình đến cho một tạp chí mới ra ở Việt nam, nơi đã quảng cáo ầm ĩ là ‘Tạp chí khoa học nông nghiệp bằng tiếng Anh đầu tiên của Viêt nam’, thì không được nhận lấy một lời phúc đáp! Anh đã gửi hai, ba lần đến các địa chỉ trên nhưng chưa bao giờ nhận được lấy một lời hồi âm. Anh bảo tôi: ‘Chưa có một tạp chí nào đối xử với mình như vậy, mình chỉ buồn nhất là mình lại bị ghẻ lạnh ngay ở chính quê hương của mình, chắc hẳn không bao giờ mình quan tâm đến tạp chí kia nữa’. Tôi chỉ xin kết luận ở đây là: Xin đừng chỉ trách móc các LHS là tại sao không muốn trở về nước ngay khi tốt nghiệp. Chính Nhà nước cũng nên tự đặt câu hỏi này với mình. Nếu không có các chính sách phù hợp với công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thì mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, khoa học kỹ thuật hiện đại của nước ta, e vẫn còn xa vời. Câu hỏi trên cũng giống như câu hỏi: ‘Tai sao nước ngoài họ không muốn đầu tư vào nước ta nhỉ, mà họ cứ chạy sang Tàu, sang Mã Lai hoặc Thái Lan…?’. Written by Bkduan (Từ Kyushu)