|
Từ đầu tháng 9- 2003, một đoàn khảo sát gồm 11 thành viên là các giáo sư ĐH, chuyên gia, cố vấn kinh tế… của Nhật do GS.TS Seki Mitsuhiro – giảng viên Trường đại học Hitotsubashi kiêm cố vấn cao cấp của Bộ Công thương Nhật Bản – làm trưởng đoàn đã đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh tại VN. Ngay sau chuyến khảo sát kết thúc, PV Báo Tuổi Trẻ đã có bài phỏng vấn GS.TS Seki Mitsuhiro. |
Thưa ông, vì sao lại chọn VN để khảo sát về môi trường đầu tư mà không chọn một nước khác trong khu vực?
– Từ cuối năm 2002, mối quan tâm ở Nhật đối với VN đã tăng lên rõ rệt. Lý do chính là các doanh nghiệp đã tham gia thị trường Trung Quốc quá nhiều, khoảng hơn 200.000 dự án, và các thị trường khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore, cũng có rất nhiều nhà đầu tư Nhật đến.
Sự tập trung quá nhiều vào Trung Quốc đã tạo nên một thế không cân bằng về độ rủi ro. Vì thế, nhà đầu tư tại Nhật đang rất quan tâm đến Hà Nội, do nơi đây gần với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Hà Nội được xem là địa điểm lý tưởng của các nhà đầu tư trong việc cung cấp các nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất.
Mục đích của chúng tôi khi đến VN lần này là để tìm hiểu môi trường kinh doanh nhằm phục vụ và đưa ra các đề án đối với doanh nghiệp Nhật nào có nhu cầu quan tâm đến VN.
Ông và các thành viên trong đoàn nhận xét như thế nào về môi trường đầu tư tại VN?
– Đây là lần đầu tiên tôi đến VN và cảm tưởng đầu tiên của tôi là xã hội cũng như nền kinh tế VN mềm mỏng hơn nhiều so với những gì tôi đã nghĩ trước đó. Và khi tôi trao đổi vấn đề này với một số người, hầu hết đều nói rằng trong hai ba năm trở lại đây sự thay đổi đó đã diễn ra hết sức nhanh chóng.
Cụ thể trong cách thức làm việc thì VN so với Trung Quốc những năm trước đã có bước cải tiến hơn rất nhiều. Đặc biệt, tôi có thể khẳng định VN là nước gần gũi và dễ sống nhất đối với người Nhật, trong đó văn hóa ẩm thực là một ví dụ.
Trong chuyến làm việc vừa qua, chúng tôi đã gặp gỡ cả doanh nghiệp quốc doanh lẫn doanh nghiệp tư nhân và nhận thấy đang có một sự phân hóa ngày càng lớn. Hiện tượng này không chỉ ở VN mà tại Trung Quốc, Mông Cổ cũng đang diễn ra, đây là một hiện tượng đương nhiên trong quá trình phát triển.
Trong số những doanh nghiệp mà tôi tiếp xúc, có một số đang gặp thuận lợi và phần lớn còn lại đang gặp khó khăn. Rất tiếc trong hai tuần ngắn ngủi tôi đã không đến được các vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp của VN.
Khi đến Hà Nội và TP HCM, tôi thấy đường phố rất chật hẹp trong khi lượng xe máy, xe hơi khá nhiều, có lẽ do vấn đề di cư từ nông thôn lên thành phố đã trở thành vấn đề lớn. Do vậy, trong các chính sách của VN cần hướng các nhà đầu tư nước ngoài vào các vùng nông thôn, tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực này.
Theo tôi, để khuyến khích các nhà đầu tư vào VN không chỉ xây dựng thật nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất, mà phải làm sao xây dựng ngành công nghiệp sản xuất các linh kiện, phụ tùng để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài.
Với thực tế hiện nay, VN cần phải làm gì để đạt được điều này?
– Điểm đầu tiên là cần tạo ra một môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để khi đến VN họ có thể đứng vững được trong điều kiện hiện nay. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, ngay cả cấp chủ tịch huyện, xã… cũng rất tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư cho các DN nước ngoài.
Chính vì vậy, VN cũng nên có những chính sách tương tự như vậy để các nhà đầu tư đến và hiểu VN hơn. Một điểm nữa là theo tôi, các thành phố lớn của VN nên chọn liên kết với các thành phố của Nhật, vì người Nhật thường sống theo tập đoàn, nếu một mình đến làm ăn đầu tư ở một đất nước nào đó họ sẽ có những hạn chế, ngần ngại. Nếu có sự liên kết giữa hai thành phố thì họ dễ dàng đi giao lưu và tiến hành đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần có những nhà đại diện nhiệt huyết cho VN, sẵn sàng đi để quảng bá, giới thiệu VN ở các nước trên thế giới.
Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đang có làn sóng thứ hai các nhà đầu tư của Nhật vào VN, ông nghĩ sao?
– Tôi cũng nghĩ như vậy và tôi cho rằng làn sóng này còn kéo dài 1-2 năm nữa, chỉ có điều VN làm sao giữ chân được họ mới là vấn đề. Để giữ chân được họ không chỉ là việc xây dựng các khu công nghiệp, mà vấn đề cốt lõi là nguồn nhân lực có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư hay không.
—————————————————————————————————————-
Theo Vụ châu Á – Thái Bình dương (Bộ Thương mại), xuất khẩu giày dép của VN vào thị trường Nhật trong năm nay có thể đạt mức gần 90 triệu USD và trở thành một trong năm nước xuất khẩu giày dép lớn nhất vào thị trường Nhật.
Được biết, năm 2002 kim ngạch xuất khẩu giày dép sang Nhật đạt 73,5 triệu USD. Dự kiến đến năm 2005 có thể đạt mức 120 triệu USD.
—————————————————————————————————————-
Nguồn:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=1542&ChannelID=11
http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2003/09/3B9CB87B/