Vietnam Festival 2008


 Kỷ niệm 35 năm quan hệ ngọai giao Việt Nam – Nhật Bản, chính phủ hai nước tổ chức lễ hội giao lưu Vietnam Festival 2008 từ thứ Sáu 19/9  đến Chủ Nhật 21/9/2008 tại công viên Yoyogi, Tokyo. Ngày khai mạc lễ hội thứ Sáu diễn ra dưới trời mưa nhẹ. Tiếp theo cơn mưa này, thứ Bảy 20/9 đã được dự báo là sẽ có mưa lớn. Nhưng như có phép lạ, lễ hội bất ngờ và may mắn có được một ngày nắng đẹp. Trời xanh điểm vài gợn mây trắng mùa thu. Người Nhật bảo nhau đúng là “Tenno-bare” (mỗi dịp người của Hoàng gia Nhật xuất hành thì trời sẽ nắng đẹp) vì lễ hội hân hạnh được đón Hoàng thái tử Nhật đến xem biểu diễn. Thời tiết tốt, lại là ngày cuối tuần, khách đến dự Festival rất đông đúng như dự đoán của Ban tổ chức.

  Ngày 20 và 21 tháng 9 là 2 ngày hội chính của Vietnam Festival 2008. Quảng trường công viên Yoyogi nơi tổ chức lễ hội được thiết kế rất thoáng đãng và thân thiện, chia thành 3 khu vực chính: triển lãm, biểu diễn, và ẩm thực. Khu vực triển lãm tập trung dọc hai bên con đường đi bộ lớn từ cổng chính. Hàng loạt gian hàng của các công ty Việt Nam như FPT, dệt may Thái Tuấn, gạch Đồng Tâm, cà phê Trung Nguyên… cùng nhiều công ty kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ sang giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Khu vực biểu diễn với trung tâm là sân khấu chính, nơi tổ chức các tiết mục giao lưu văn nghệ Việt-Nhật. Khu vực ẩm thực chiếm một diện tích đáng kể với hàng chục gian hàng giới thiệu văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng của Việt Nam, đa phần là của các nhà hàng Việt Nam tại Tokyo. Những lúc cao điểm buổi trưa khoảng 1 – 2 giờ, trước mỗi gian hàng là một hàng khách dài. Người Nhật không muốn bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn Việt Nam độc đáo nên đều kiên nhẫn chờ đợi.


Cổng chào Vietnam Festival 2008


Người thợ làm đồ gốm với những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo


Khách Nhật xếp dài trước các gian hàng ẩm thực

Trong suốt những ngày lễ hội, tại sân khấu chính, đoàn nghệ thuật từ Việt Nam sang đã biểu diễn một chương trình phong phú với các show thời trang dân tộc, múa, nhạc cụ truyền thống, và đặc biệt là các ca khúc pop Việt với những ca sĩ tên tuổi như Mỹ Linh, Lam Trường, Hiền Thục, Kasim Hoàng Vũ. Ca sĩ Mỹ Linh chứng tỏ đẳng cấp diva khi đôi lúc trong chương trình đã hát liên tục nhiều bài, trong đó có những bài gắn liền với tên tuổi của chị như “Hương ngọc lan”, “Ngày xa anh”, và một số bài trong album mới, tạo cảm giác của một live show nho nhỏ. Ca sĩ Lam Trường và Hiền Thục khuấy động sân khấu bằng phong cách biểu diễn sôi động và thân thiện. Chương trình không chỉ làm hài lòng lượng khán giả người Việt đến với lễ hội để xem các ca sĩ mình yêu thích biểu diễn, mà còn khiến nhiều khán giả Nhật ngạc nhiên với trình độ cũng như chất lượng của âm nhạc Việt Nam hiện nay. Phía các bạn Nhật cũng đóng góp nhiều tiết mục đặc sắc như đánh trống Taiko truyền thống, đàn Shamisen, cùng nhiều bài hát Nhật nhưng được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, góp thêm màu sắc văn hóa cho sự kiện. Trong số đó, có lẽ gây được nhiều sự chú ý chính là các tiết mục của ban nhạc Nhật The Gypsy Queen biểu diễn bằng tiếng Việt.


Ca sĩ Mỹ Linh


Ca sĩ Hiền Thục


Ca sĩ Lam Trường


Tiết mục biểu diễn trống của Nhật


Ban nhạc The Gypsy Queen

Bên cạnh các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Hội Sinh viên Thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) cũng đóng góp một chương trình văn nghệ được tập luyện và dàn dựng công phu. VYSA biểu diễn trên sân khấu chính từ 10:45 đến 11:30 ngày 21/9. Tuy là thời gian khá sớm trong ngày, nhưng khán đài vẫn chật cứng khán giả. Sân khấu và hệ thống âm thanh tốt cùng với sự chuẩn bị chu đáo của đội văn nghệ khiến buổi biểu diễn hết sức thành công. Đặc biệt, tiết mục trình diễn thời trang áo dài nhận được rất nhiều lời tán thưởng từ phía khán giả. Chương trình của VYSA đã khẳng định thực lực mạnh mẽ của phong trào ca hát trong sinh viên thanh niên Việt Nam tại Nhật, một phong trào đang ngày một phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt với việc tổ chức thành công cuộc thi Tiếng hát sinh viên VYSA 2008 gần đây.


Khán giả theo dõi phần biểu diễn của VYSA


Minh Hằng, Thu Hương, Thùy Dương, Thành Long, Nhật Hoàng, và Anh Tuấn trong tiết mục “Cây đa quản dốc”


Ngọc Anh trong tiết mục “Hanamizuki


Thanh Thảo trong tiết mục “Huyền thoại Hồ Núi Cốc”


Tymah và Minh Trường trong tiết mục “Đau xót lý con cua”


Hương Nga, Mê Linh, Thanh Thảo, Lê Trang, Diệu Linh, và Mai Hương trong tiết mục trình diễn thời trang áo dài


Toàn thể thành viên trong đội biểu diễn trong tiết mục “Nối vòng tay lớn”

Ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật, VYSA còn tham gia Vietnam Festival 2008 với một gian hàng ẩm thực. Mục đích của việc kinh doanh này là tạo kinh phí cho Quỹ Học bổng VYSA vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam vừa được thành lập. Thực đơn của gian hàng gồm 4 món ăn Việt Nam đặc trưng: chả giò chiên, gỏi cuốn, bánh cuốn, phở gà, cùng bia và nước ngọt. Gian hàng của VYSA, mặc dù do những tình nguyện viên và thành viên của VYSA tổ chức và phục vụ, đã thu hút lượng khách hàng đông đảo không thua kém bất cứ gian hàng chuyên nghiệp nào khác.


Gian hàng ẩm thực của VYSA

Link đến gallery hình ảnh của Vietnam Festival 2008

Không được may mắn như thứ Bảy 20/9, ngày Chủ Nhật 21/9 thời tiết xấu đi, trời mưa to. Nhưng lễ hội không vì thế mà kém đi phần náo nhiệt. Khách đến tham dự Festival vẫn rất đông; thậm chí có nhiều người tham gia cả hai ngày hội. Đến tận cuối ngày mà dòng người đổ về công viên Yoyogi vẫn tấp nập. Các gian hàng vẫn đông khách đến ngay gần giờ kết thúc.

Vietnam Festival 2008 chính thức kết thúc lúc 20 giờ ngày 21/9 bằng tiết mục tốp ca của toàn thể nghệ sĩ, cũng với lời chào “hẹn gặp lại”. Lời ca “bốn phương trời ta về đây chung vui, không phân chia giọng nói tiếng cười” khép lại hơn 2 ngày công viên Yoyogi tưng bừng trong niềm vui và tình cảm hữu nghị Nhật – Việt. Vietnam Festival 2008 đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản sau 35 năm chính thức thành lập. Trong lòng công chúng Nhật, hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam chắc chắn đã được cập nhật thêm nhiều chi tiết cụ thể và gần gũi.

Diệu Hương – NBK
Hình ảnh: Vũ Hưng – Mai Lâm – NBK

 


Bài đã được đăng lại trên:
Báo Tiền Phong Online
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.